Biển Đông: Không chấp nhận các hành động khiêu khích, bắt nạt, vô luật pháp quốc tế

ANTD.VN - Trung Quốc một lần nữa gây thêm căng thẳng trên Biển Đông, khiến không chỉ khu vực mà thế giới cùng cảm thấy bất an khi lại giở trò “bắt nạt” trên vùng biển chiến lược trọng yếu này khi cho tàu Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống đông đảo của Trung Quốc đã đi xuyên qua Biển Đông tiến sâu xuống phía Nam Biển Đông tới vùng biển áp sát Malaysia.

Biển Đông: Không chấp nhận các hành động khiêu khích, bắt nạt, vô luật pháp quốc tế ảnh 1Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên vùng biển của Tổ quốc

Trung Quốc lại gây căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế

Theo thông tin mới nhất ngày 22-4, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ tống khoảng 10 chiếc của Trung Quốc dường như đang thực hiện khảo sát ở vùng biển phía Nam Biển Đông, cách bờ biển của Malaysia và Brunei khoảng 200 hải lý.

Trong khi đó, theo trang USNI News ngày 20-4, các tàu hải cảnh Trung Quốc đang duy trì sự hiện diện ở cụm bãi cạn Luconia của Malaysia. Cụm bãi cạn này còn có tên là Gugusan Beting Patinggi Ali theo tiếng Malaysia, nằm cách bờ biển Miri của bang miền Đông Sarawak của Malaysia chưa đầy 100 hải lý. Những chiếc tàu Trung Quốc nói trên cũng đã lại gần các giàn khoan dầu Petronas của Malaysia ở khu vực biển này.

Trước đó, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng nhóm tàu hộ tống đã trở lại Biển Đông, đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và tiến tới các vùng biển ở phía Nam Biển Đông về phía Malaysia. Nhóm tàu này có lúc di chuyển cách bờ biển Việt Nam khoảng 150km.

Cách đây gần một năm, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc từng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), khi tiến hành hoạt động trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần 3 tháng, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10-2019. Hành động phi pháp đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trên Biển Đông trong một thời gian dài, bất chấp sự phản đối của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.

Vì thế, sự tái xuất hiện của nhóm tàu khảo sát Hải Dương ở Biển Đông lần này đang làm dấy lên những lo ngại sâu sắc. Đặc biệt, hành động gây căng thẳng và bất ổn trên vùng biển chiến lược trọng yếu với cả khu vực và quốc tế diễn ra trong bối cảnh khu vực và cả thế giới đang tập trung phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), đại dịch vốn xuất phát từ Trung Quốc và lây lan ra toàn thế giới.

Đáng nói hơn nữa là đồng thời với việc tái triển khai nhóm tàu Hải Dương 8 ở Biển Đông, Trung Quốc cũng có những việc làm vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, các bên liên quan ở Biển Đông cũng như luật pháp quốc tế. Đó là việc công bố thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” vào ngày 18-4.

Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua hành động xâm chiếm

Những hành vi trên của Trung Quốc đang khiến dư luận khu vực và quốc tế quan tâm với sự lo ngại sâu sắc. Ngày 21-4-2020, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với UNCLOS 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới”.

Nhà phân tích về Biển Đông Giáo sư Carl Thayer thuộc Trường đại học New South Wales (Australia) cho rằng, các hành động mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông là “khiêu khích”, “bất hợp pháp” và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Chuyên gia nổi tiếng này nhấn mạnh rằng, luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua hành động xâm chiếm.

Động thái mới nhất của Bắc Kinh cũng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được Trung Quốc và các thành viên ASEAN ký kết vào năm 2002, trong đó nêu rõ: “Các bên cam kết tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông”. Bởi thế, theo Giáo sư Carl Thayer, hành động đơn phương của Trung Quốc làm phức tạp nghiêm trọng tình hình khu vực và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Chuyên gia về Biển Đông Richard Heydarian trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã cho rằng, nếu tất cả các quốc gia ASEAN đồng lòng phản đối, Trung Quốc phải điều chỉnh. Theo vị chuyên gia là người Philippines này, lịch sử cho thấy Bắc Kinh phản ứng với sức ép, lui lại trước một phản ứng nhất trí của những nước láng giềng then chốt và các cường quốc toàn cầu.