Biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề ở nhiều nơi trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề hơn với những đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn cùng những vụ cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Cảnh cháy rừng ở thành phố West Kelowna, bang British Columbia, Canada

Cảnh cháy rừng ở thành phố West Kelowna, bang British Columbia, Canada

Chính phủ phải họp khẩn vì nắng nóng, cháy rừng

Tuần trước, Chính phủ Pháp đã phải triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về biện pháp ứng phó đợt nắng nóng nghiêm trọng, trong bối cảnh nhiệt độ tiếp tục tăng cao. Cơ quan y tế công cộng SPF cho biết, nắng nóng làm tăng số ca tử vong tại vùng Provence-Alpes-Cote d’Azur, miền Đông - Nam nước Pháp. Trong khi đó, cháy rừng đã bùng phát tại khu vực Saint-Andre, thuộc tỉnh Pyrenees-Orientales ở miền Nam nước Pháp buộc hơn 3.000 người phải sơ tán khẩn cấp. Chính phủ Pháp hiện đã triển khai đường dây nóng chuyên cung cấp thông tin về đợt nắng nóng và bắt đầu phổ biến nội dung liên quan trên sóng truyền hình và phát thanh.

Tại Tây Ban Nha, lực lượng cứu hỏa phải chạy đua với thời gian nhằm kiểm soát trận cháy rừng nghiêm trọng trên hòn đảo nghỉ dưỡng Tenerife. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng tại khu vực rừng núi bên các hẻm núi cao ở vùng phía Đông - Bắc của đảo Tenerife, thuộc quần đảo Canary, thiêu rụi hơn 3.200 ha đất. Chính quyền khu vực đã sơ tán khoảng 3.000 cư dân. Giới chức Tây Ban Nha cho biết, khoảng 250 lính cứu hỏa đang nỗ lực khống chế đám cháy rừng đang hoành hành “ngoài tầm kiểm soát”. Chính quyền địa phương đã buộc phải đóng cửa nhiều tuyến đường.

Trong khi đó tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã phải triệu tập cuộc họp khẩn nhằm thảo luận biện pháp đối phó các trận cháy rừng lan rộng tại Vùng lãnh thổ Tây Bắc. Đây là mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử, với hơn 1.000 đám cháy đang hoành hành, trong đó hơn 236 đám cháy tập trung ở Vùng lãnh thổ Tây Bắc. Bang British Columbia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng. Dù chưa có ca nào tử vong nhưng hôm thứ sáu tuần trước, số hộ dân nhận lệnh sơ tán đã tăng từ 4.000 lên tới 15.000, trong khi 20.000 hộ khác nằm trong diện cảnh báo.

Tại Mỹ, giới chức bang Hawaii cho biết tính đến ngày 18-8, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy rừng nghiêm trọng bùng phát hôm 9-8 tại đảo Maui ở bang này đã lên tới 114 người. Nhiều khả năng con số này sẽ tăng khi công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục được triển khai. Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn gồm 470 nhân viên cùng 40 chó nghiệp vụ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp ở hàng trăm công trình bị thiêu rụi. Ít nhất 1.000 người hiện vẫn mất tích. Phát biểu trên truyền hình, ông Josh Green - Thống đốc bang Hawaii cho biết, hơn 2.200 công trình đã bị phá hủy và 500 công trình khác bị hư hại, thiệt hại ước tính gần 6 tỷ USD.

Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố “tình trạng thảm họa” đối với khu vực và gọi đây là “thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử” khi số người thiệt mạng và thiệt hại ước tính đã vượt xa thảm họa sóng thần tại Hawaii vào năm 1961. Người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui (Mỹ) là ông Herman Herman Andaya đã phải đệ đơn xin từ chức trong bối cảnh cơ quan này đang chịu nhiều ý kiến chỉ trích về cách thức ứng phó thảm họa cháy rừng được cho là tồi tệ nhất thế kỷ.

Do nắng nóng khác thường, người dân nhiều nước đã phải thay đổi thói quen sống. Nhiều người Mỹ ở bang Texas chọn cách tập thể dục vào ban đêm cho đỡ nóng. Tại nhiều siêu thị, số người đến mua sắm sau 21 giờ đông đúc một cách đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Nhiều cơ sở kinh doanh cũng vì thế mà điều chỉnh giờ giấc hoạt động và tạo ra một nền kinh tế về đêm mới. Nhiều nông dân trồng nho ở miền Nam Tây Ban Nha thì chọn cách làm việc vào ban đêm và buổi sáng sớm. Chăm sóc vườn nho vào tờ mờ sáng đã trở thành lối làm việc quen thuộc của người nông dân nơi đây.

“Kỷ nguyên nung nóng toàn cầu”

Một nghiên cứu mới đây của mạng lưới các nhà nghiên cứu thế giới về khí tượng (WWA) cho thấy những đợt nắng nóng ở châu Âu và Mỹ hiện nay “hầu như không thể xảy ra” nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu cảnh báo “những đợt nắng nóng sẽ không còn là bất thường” mà “sẽ ngày càng cao độ hơn và thường xuyên hơn” nếu thế giới không nhanh chóng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Biến đổi khí hậu phản ánh sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết. Những thay đổi này là tự nhiên. Tuy nhiên, kể từ những năm 1800, tác động của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch (như than, dầu và khí đốt) tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hệ quả là nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dẫn đến biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan hơn.

Theo bà Sonia Seneviratne, nhà khoa học của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, các đợt nắng nóng kỷ lục trên đất liền sẽ chỉ xảy ra trung bình 10 năm một lần nếu con người không tạo ra những ảnh hưởng lên khí hậu, tuy nhiên hiện nay các đợt nóng đó đã xảy ra thường xuyên hơn gấp 3 lần. Các nhà khoa học đều đồng tình rằng, nếu không cắt giảm khí thải nhà kính, các vấn đề biến đổi khí hậu, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn.

Theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, các quốc gia đã đạt đồng thuận nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức trung bình đo được trong giai đoạn từ năm 1850 - 1900 và tiến tới ngưỡng 1,5 độ C nếu có thể. Tuy nhiên trong năm 2022, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của giai đoạn những năm 1850 -1900. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo, với xu hướng diễn biến như hiện nay, Trái đất sẽ nóng lên 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trở lại các đợt nắng nóng và cháy rừng đang diễn ra hiện nay, phân tích của Cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ cho thấy có tới 50% khả năng năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Kết quả này cũng phù hợp với dự báo trước đó của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho thấy tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn mức trung bình 1,12°C. Trong khi đó, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) quan ngại, năm 2024 có thể còn nóng hơn. Các chuyên gia cho biết, EL Nino sẽ tác động mạnh nhất trong năm 2024, do đó nhiệt độ có thể cao hơn cả năm nay.

Trước thực tế đáng báo động đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi gấp rút hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệt độ kỷ lục từng xảy ra trong tháng 7 vừa rồi cho thấy Trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu”. Ông khẳng định biến đổi khí hậu đang hiện hữu, gây tác động nghiêm trọng và đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Còn giáo sư kỹ thuật lâm nghiệp Victor Resco de Dios thuộc Đại học Lleida (Tây Ban Nha) cho rằng một hoặc hai thập kỷ nữa, khi con người nhìn lại hiện tại, họ sẽ thấy những mùa cháy rừng trong thời điểm này vẫn còn khá “nhẹ nhàng”.