Biến chất thải thành điện

(ANTĐ) - Trong khi giá cả biến động, cộng thêm nguồn điện cung cấp không ổn định, nhiều hộ gia đình ở ngoại thành Hà Nội đã tự chế ra gas từ phân các loại gia súc, các loại dầu phế thải, rác... sau đó chuyển thành điện năng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Biến chất thải thành điện

(ANTĐ) - Trong khi giá cả biến động, cộng thêm nguồn điện cung cấp không ổn định, nhiều hộ gia đình ở ngoại thành Hà Nội đã tự chế ra gas từ phân các loại gia súc, các loại dầu phế thải, rác... sau đó chuyển thành điện năng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với quy mô chăn nuôi khoảng 20-50 con lợn, bò trở lên, việc xây dựng các hầm biogas từ 5-10m3 không chỉ tạo ra những nguồn khí gas tốt, đảm bảo cung cấp cho hệ thống bếp gas gia đình, cho một số lò sưởi cho gia súc trong những ngày đông tháng giá, gần đây nhiều địa phương, nông dân còn tự chế các máy Demo phát điện dùng khí gas tạo thành điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng:  Biogas chứa thành phần chính là CH4 và các tạp chất CO2, H2S và là năng lượng tái sinh nhận được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong môi trường thiếu không khí: rác thải sinh hoạt, các chất thải của quá trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, xử lý nước...

Trong dự án nghiên cứu biến các nguồn chất thải thành năng lượng sạch của Viện Khoa học năng lượng, một trang trại chăn nuôi khoảng 5-7 con bò và 30-40 con lợn sẽ đủ lượng biogas cung cấp cho máy phát điện 3-5kW hoạt động trong ngày.

Nếu người nông dân muốn tận dụng nguồn khí biogas trong gia đình, cần trang bị máy phát điện cỡ nhỏ, thêm một bộ chuyển đổi sử dụng nhiên liệu, từ đó cứ 1m3 biogas thành 1kWh điện, tiết kiệm được 0,4 lít dầu diesel, sau một năm sử dụng khí biogas, người dân có thể khấu hao được tiền đầu tư ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Toàn, một kỹ sư cơ khí ở quận Long Biên cũng mày mò nghiên cứu máy phát điện chạy bằng biogas cho biết: Nếu không cần bộ chuyển đổi, chỉ cần thay bộ chế hòa khí của máy và một số chi tiết cũng không làm ảnh hưởng đến cấu trúc máy mà vẫn sử dụng được khí gas, giúp người nông dân ngoại thành chạy máy bơm, hệ thống tưới tiêu, hệ thống ánh sáng, lò sưởi... nếu có điều kiện có thể chuyển dòng điện nạp vào ác quy...

Với chi phí 3-5 triệu đồng cho các loại máy 1,5-5 kW, người nông dân sẽ hoàn toàn yên tâm và chủ động nguồn năng lượng, nhất là nông dân các vùng sâu, vùng xa, giảm được 50% chi phí tiền điện so với giá xăng dầu hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Binh, xóm 2 thôn Thượng, xã Đông Dư, Gia Lâm tâm sự: Đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả” của Trung tâm tiết kiệm năng lượng Sở Công thương tài trợ cho tôi và ông ánh ở Hải Bối, Đông Anh kinh phí xây hầm, máy phát điện chạy bằng biogas, giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn đồng nhiên liệu phục vụ chăn nuôi cũng như sinh hoạt gia đình.

Tuy nhiên với đầu tư lớn, khoảng 30 triệu đồng/hộ trong khi máy phát điện lại có công suất thấp, thì mô hình thí điểm chưa hiệu quả. Vì thế, để nhân rộng giải pháp sử dụng năng lượng từ chất thải trong các hộ gia đình chăn nuôi ở Hà Nội, rất cần các cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến hỗ trợ bà con kỹ thuật, kinh phí xây hầm biogas, phương pháp chuyển đổi sử dụng máy phát điện đúng mục đích, đúng công suất, giúp bà con giảm tải ô nhiễm môi trường, tận dụng thành công các nguồn chất thải biến thành gas phục vụ đời sống.

Bảo Hà