Giám đốc Trung tâm Nhổn Nguyễn Mạnh Hùng chủ động mời báo chí tới dự Lễ tổng kết Olympic của Trung tâm, với sự tham dự của HLV các đội tuyển và cán bộ, công nhân viên Trung tâm. Nội dung chính ngoài chúc mừng thành tích của đội tuyển bắn súng tại Olympic còn để lãnh đạo Trung tâm được “trải lòng” sau những lùm xùm, tố cáo tiêu cực thời gian qua.
Có chuyện chấm công cả ngày nghỉ nhưng…
Theo đơn tố cáo, trong giai đoạn từ tháng 12-2012 tới tháng 3-2015, ông Nguyễn Mạnh Hùng làm sai nguyên tắc tài chính khi tự ý cho các đội tuyển tập huấn tại trung tâm chấm công tập luyện thêm các ngày chủ nhật, sau đó thu tiền khống vào sổ sách chứng từ để chi tiêu vào mục đích cá nhân, làm thất thoát của Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Khi được đề nghị trả lời về tố cáo này, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Chuyện tiền công, tiền ăn của VĐV, HLV các đội là người biết rõ nhất. Vì vậy, tôi xin nhường phần trả lời này cho họ”.
Giám đốc Trung tâm Nhổn Nguyễn Mạnh Hùng
HLV Vũ Ngọc Lợi (điền kinh) tiếp lời: “Đội điền kinh nhiều lần phải tập vào thứ 7, chủ nhật vì tùy theo giáo án. Như ngày 30-4, 1-5 vừa qua chúng tôi còn phải làm đơn để được tập vì sắp phải dự vòng loại Olympic Rio, bên cạnh đó xin được hưởng chế độ tiền công những ngày đó cho VĐV”. Theo HLV Lợi, tiền lương, tiền công hay tiền ăn còn thừa của VĐV được chuyền thẳng vào thẻ ATM nên không có chuyện lợi dụng chấm công thêm để tư lợi hay chi vào các mục đích khác.
Đề cập tới vấn đề này, HLV Nguyễn Anh Minh (đội wushu trẻ quốc gia) nêu thực trạng: “Các cháu VĐV ngoài tập luyện còn phải học văn hóa nên phải tranh thủ ngày nghỉ học là thứ 7, chủ nhật để tập bù. Vì vậy phải chấm công cho các cháu. Sau khi có đơn thư khiếu nại, VĐV ở trung tâm đã không được chấm công ngày nghỉ nữa nên rất thiệt thòi”.
Còn HLV Nguyễn Thị Nhung (đội bắn súng) cho biết tiền ăn, tiền công của VĐV bắn súng và VĐV Việt Nam nói chung hiện còn rất thấp. “Ở cuộc họp với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vừa rồi tôi cũng đã mạnh dạn kiến nghị Bộ trưởng quan tâm, xem xét tăng tiền công, tiền ăn cho VĐV. Như trường hợp Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh là VĐV trọng điểm mà sau khi trừ các khoản mỗi tháng chỉ còn 800 nghìn đồng. Với các VĐV đội trẻ hoặc không phải VĐV trọng điểm, số tiền này còn ít hơn. Nếu không chấm công ngày nghỉ thì VĐV đói. Tiền công, tiền ăn của VĐV đến HLV còn không dám thu thì lãnh đạo Trung tâm làm gì dám”, HLV Nhung nói.
Bà Nhung so sánh: “Bên Hàn Quốc, chỉ cần tập 15 ngày là VĐV được chấm công đủ 30 ngày. Tôi đề nghị Giám đốc Hùng mạnh dạn đề xuất cho VĐV Trung tâm tập 20 ngày nhưng được chấm công 30 ngày”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đáp: “Tôi đã đề nghị rất nhiều lần lên lãnh đạo cấp trên nhưng không được chấp thuận”. Giám đốc Trung tâm Nhổn thừa nhận việc có chấm công thứ 7, chủ nhật nhưng là “theo nhu cầu của các đội tuyển chứ không hề tư lợi, hay sử dụng vào mục đích khác”.
Một số hạng mục, dự án xây dựng tại Trung tâm Nhổn bị tố cáo vi phạm song Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đã kiểm điểm và khắc phục xong (ảnh minh họa)
“Nhiều người ghét tôi”
Liên tục nhiều năm qua, có nhiều cán bộ tại Trung tâm đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng lên Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, các cơ quan báo chí. Trong đó ngoài tổ cáo việc chấm công HLV, VĐV cả ngày nghỉ như đề cập ở trên, còn có đơn tố cáo ông Hùng khai man thành tích để được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009. Theo đơn, để được danh hiệu này ông Hùng không đủ 7 năm liền là Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Tuy nhiên ông Hùng cho biết mình được khen thưởng đúng quy định: “Theo quy định, có 3 hạng mục để xét tặng: Một là, có hai bằng khen của Bộ trưởng. Hai là, một bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ba là, 7 năm chiến sỹ thi đua cơ sở. Bản thân tôi được tới 5 bằng khen của Bộ trưởng, 3 bằng khen của Thủ tướng, tức là hơn cả mức quy định”.
Trả lời về việc thời gian qua, thanh tra Bộ VH-TT&DL, thanh tra Tổng cục TDTT đã có xác minh và phát hiện nhiều vi phạm tại Trung tâm Nhổn. Theo kết luận thanh tra ngày 7-11-2014, nhiều dự án tại trung tâm đã có vi phạm như chọn nhà thầu không đủ điều kiện, năng lực theo hồ sơ mời thầu; thiết bị không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn cho lắp đặt; mua thiết bị không đúng với thiết kế và hồ sơ… với tổng số tiền lên tới 2 tỉ đồng.
Ông Hùng cho biết: “Có nhiều lần thanh tra của Tổng cục, của Bộ VH-TT&DL nhưng tôi khẳng định cơ bản sau thanh tra đã khắc phục xong như các vi phạm ở khu nhà bóng chuyền, nhà hồi phục. Còn khu nhà sàn bị tố không được phép mà vẫn xây nhưng tôi khẳng định không sai vì chủ trương xây được lãnh đạo Bộ VH-TT&DL chấp thuận, hơn nữa đây không phải công trình kiên cố nên không phải xin giấy phép xây dựng”.
Chia sẻ thêm với báo giới, ông Hùng cho biết trước khi ông tiếp nhận chức Giám đốc Trung tâm Nhổn có nhiều HLV trưởng nhưng lại không hề biết chuyên môn, được dựng lên nhờ quan hệ. “Nhưng giờ đã hết rồi. HLV cũng không phải đi xin giấy tờ, chế độ cho đội vì đó là việc của Trung tâm phải làm. Chưa bao giờ tôi để văn bản quá 3 ngày, đặc biệt là tiền ăn, tiền công đều ưu tiên giải quyết ngay. Ở trung tâm, tôi biết có nhiều người ghét tôi, nhất là sau khi tôi được đề bạt giữ một chức vụ lãnh đạo trên Tổng cục TDTT thì những đơn thư tố cáo lại dồn dập gửi tới các cơ quan”, ông Hùng nói.
“Quan chức đi Olympic để làm gì?” Đó là tựa một bài báo “tố” Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng “tranh” suất Olympic của bác sỹ, chuyên gia, HLV trong khi một số VĐV của tuyển cầu lông, judo thì không có HLV theo kèm. Trần tình về chuyện này, ông Hùng chia sẻ: “Chúng tôi không phải quan chức, chỉ là những nhà chuyên môn, những người thầy, đi cùng đoàn, ngoài việc đi để học tập, ghi hình, thu băng học tập từ các đoàn, còn để động viên VĐV. Thi đấu nơi xứ người, có được sự động viên kịp thời sẽ rất hữu ích cho VĐV. Nhiều cán bộ đi Olympic còn phải mang tiền nhà đi, chứ có mang được đồng nào về và đâu phải được du lịch. Mà chuyện đi là nhiệm vụ do Bộ VH-TT&DL giao phó, chứ đâu phải tự tôi hay các cán bộ khác quyết được”. |