Bí mật Nuristan - nơi trú ngụ của các phe nhóm khủng bố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngôi làng và thung lũng ở Nuristan (Afghanistan) chắc chắn không phải địa danh du lịch, càng không phải nơi để các nhà báo phương Tây đi khám phá tự túc. Trước đây, các địa danh như Barg-i Matal, Kamdesh, thung lũng Shok hay gần như toàn bộ tỉnh Nuristan mới chỉ xuất hiện trong những thước phim từ máy quay trên mũ bảo hiểm của lính Mỹ khi họ tham gia vào những trận chiến khốc liệt. Họ chưa bao giờ đủ khả năng kiểm soát khu vực.
Cảnh yên bình ở một thung lũng thuộc tỉnh miền núi Nuristan, Afghanistan

Cảnh yên bình ở một thung lũng thuộc tỉnh miền núi Nuristan, Afghanistan

Vùng đất của ánh sáng

Tháng 6-2021 (2 tháng trước khi chính phủ cũ của Afghanistan sụp đổ), Asadabad - thủ phủ của tỉnh biên giới Kunar - là điểm dừng chân cuối cùng của người nước ngoài. “Quá nguy hiểm” - Thống đốc tỉnh Kunar khi đó cảnh báo khi được nhóm phóng viên hỏi về hành trình khám phá nơi đây. Đường cao tốc Nuristan - dùng để nối với với tỉnh Kunar như lời quan chức địa phương khoe trong nhiều năm - giờ vẫn chưa hoàn thành bởi rơi vào hố đen tham nhũng. Chỉ có một con đường đầy bụi và đá dọc theo những con sông chằng chịt dẫn đến Nuristan, một tỉnh được thành lập cách đây chưa đầy 130 năm với tên gọi có nghĩa là “vùng đất của ánh sáng”. Trước đó nơi này được gọi là Kafiristan (vùng đất của những kẻ ngoại đạo) vì người dân vùng này vốn vẫn tin vào các vị thần cho đến khi quân đội của Tiểu vương Abdul Rahman từ Kabul khuất phục họ vào năm 1895 và buộc họ cải sang đạo Hồi. Ở Nuristan, người ta có thể nhìn thấy những bức tường đã mục nát của các trại lính Mỹ bị bỏ hoang dọc đường. Một số khu nhà treo lá cờ trắng của Taliban. Lực lượng bảo vệ của Taliban kiểm tra mọi phương tiện qua lại. Nếu có giao tranh trong khu vực, các lối vào sẽ bị đóng lại tương tự như ở Kabul và các thành phố khác sau các cuộc tấn công bằng bom.

Nhưng ai mới thực sự cai quản các ngọn núi của Nuristan? Các nguồn tin an ninh phương Tây hồi đầu tháng 3-2022 cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tự tái lập tại một số thung lũng gần biên giới với Pakistan. Các chiến binh IS đã đánh bom vào nhà thờ Hồi giáo ở Kabul, Mazar-i-Sharif và các thành phố khác với tần suất thảm khốc trong nhiều tháng nay.

Trong chuyến đi của nhóm nhà báo Der Spiegel, các phóng viên phương Tây vẫn có thể đi qua một số khu vực khó tiếp cận của Afghanistan mà không gặp quá nhiều khó khăn. Ở thị trấn Parun hay Kamdesh (trung tâm của Nuristan, nơi chính quyền Kabul về cơ bản chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay trực thăng), các lá cờ của Taliban cũng tung bay. “Chúng tôi, chưa bao giờ thực sự chống lại chính phủ, nhưng họ không nhận thấy điều đó. Tất cả các tuyến đường tiếp cận vùng đất này đều nằm trong tay Taliban, al-Qaeda và các nhóm khác. Bọn họ đôi khi còn không cho chúng tôi đi lại trong nhiều tháng” - những người lớn tuổi ở cả 2 thị trấn nói.

Thủ lĩnh Taliban ở Kamdesh cùng đại diện các bộ tộc ở Parun đàm phán về tranh chấp nguồn nước

Thủ lĩnh Taliban ở Kamdesh cùng đại diện các bộ tộc ở Parun đàm phán về tranh chấp nguồn nước

Mắc kẹt ở vùng núi heo hút

Thị trưởng thị trấn Parun đã bỏ chạy còn cấp phó của ông ta thì đầu hàng khi Taliban xuất hiện năm ngoái. Ảnh hưởng còn lại của chính quyền Afghanistan trước đây có chăng là một số dinh thự, công sự quân đội, thậm chí là một ngôi nhà trên cây đã được những người lính dựng trên một cây linh sam lớn để bảo vệ thị trấn. Cứ ra ngoài thị trấn là mất sóng điện thoại di động. Các ngôi làng tự sản xuất điện bằng các tua-bin nhỏ dọc theo các con sông. Từ mùa đông đến nay, hầu như khắp Afghanistan đều có mưa nên người dân không lo ngại về hạn hán.

Trong nhà hàng duy nhất của Parun, một nhân viên bán hàng kể về khó khăn của mình: “Chúng tôi xuất khẩu hạt thông, một mặt hàng có nhu cầu cao đến mức nông dân đều được đặt cọc tiền mua trước khi thu hoạch. Trước đây đã có các hiệp định thương mại và chúng tôi có thể xuất khẩu ra khắp thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, các biên giới đã bị phong tỏa. Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là buôn lậu sang Pakistan, giá thì rất thấp”.

Lá cờ cũ của nước cộng hòa Afghanistan vẫn bay phấp phới ở Kamdesh. “Chính thức, chúng tôi vẫn chưa phục tùng Taliban” - Zakaria Musafir, người đứng đầu của Hội đồng trưởng lão lên tiếng. Hiện người của Kamdesh vẫn được Taliban đồng ý cho giữ vũ khí trong thời gian này. “Những người chăn cừu cần súng khi họ đi vào núi để đề phòng những con sói” - Zakaria Musafir nói. Từ Kamdesh có một con đường đất dẫn đến Barg-i Matal, ngôi làng cuối cùng dưới chân những rặng núi trùng điệp. Dân làng Barg-i Matal nói, trước đó mới chỉ có duy nhất 1 người nước ngoài đến đây. Một vài người dân đến bắt chuyện với nhóm phóng viên của Spiegel và cho biết họ từng làm trong cơ quan mật vụ hoặc lực lượng biệt kích hợp tác với người Mỹ. Trốn ở Nuristan, họ hy vọng có ngày đến được nước Mỹ. Khi được hỏi tại sao lại tâm sự điều bí mật đó với người lạ thì họ trả lời, giữa chốn mênh mông không người này, họ cần phải nói chuyện với ai đó, nếu không họ sẽ phát điên.

Tranh chấp ngầm đẫm máu hơn khủng bố

Trong 20 năm qua, phần còn lại của thế giới chỉ coi Afghanistan là nơi diễn ra cuộc chiến do Taliban tiến hành chống lại quân đội và chính phủ Kabul thân phương Tây. Nhưng bên cạnh đó, đã và đang có vô số những giao tranh vụn vặt nhưng không kém phần chết chóc. Những mối thù hận này không nằm ở việc ai kiểm soát chính quyền, mà là ai sở hữu đồng cỏ, rừng và nước tại mỗi địa phương. Điển hình là Kamdesh, nơi mà không thể thống nhất được ai là người có quyền đối với con suối lớn nhất trong thung lũng.

Vào một đêm đầu mùa hè năm 1997, người Kamdesh trục xuất tất cả các thành viên của bộ lạc Kushtozi nhỏ hơn với khoảng 1.000 người, châm ngòi cho cuộc giao tranh kéo dài tới nay đã 25 năm. Người Kushtozi đã phản công lại, tranh giành khai thác nguồn nước, dẫn đến xung đột có lúc khiến hàng trăm người chết hoặc bị thương. Giao tranh vẫn tiếp diễn khắp nơi trên núi.

Gần đây, thủ lĩnh của Taliban ở Kamdesh đã ngồi lại với phái đoàn của 2 bộ lạc ở thị trấn Parun - nơi được chọn làm địa điểm trung lập. Hai bên đã đồng ý làm hòa. Mohammed Tahir Hanafi - thủ lĩnh của Taliban ở Kamdesh giải thích rằng, việc này đã mất hàng tháng trời. Ông ta đã đến Kabul và Jalalabad để gặp gỡ những người bị trục xuất để bàn về cách thức thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm điều tiết việc phân phối nước trong tương lai. Thỏa thuận sau đó đã được ký kết. Trong ngôi làng chính của người Kamdesh, những người nông dân cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi vào rừng mà không còn gặp đối thủ nguy hiểm nữa. Nhưng đó vẫn là điều may mắn bởi nếu một trong hai bộ tộc là kẻ thù truyền kiếp của Taliban, kết quả có thể sẽ khác.

Ai mới thực sự cai quản các ngọn núi của tỉnh Nuristan? Các nguồn tin an ninh phương Tây hồi đầu tháng 3-2022 cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tự tái lập tại một số thung lũng gần biên giới với Pakistan. Các chiến binh IS đã đánh bom vào nhà thờ Hồi giáo ở Kabul, Mazar-i-Sharif và các thành phố khác với tần suất thảm khốc trong nhiều tháng nay.