Bị cảnh sát điều tra vì tiêm tới 16 mũi vaccine phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một người ở Sulawesi, Indonesia tự nhận đã tiêm 16 mũi vaccine Covid-19, trong đó có 14 mũi nhận “tiêm hộ” cho người khác. Điều này cho thấy, do dự trong tiêm vaccine vẫn là một trong những điều đáng lo tại quốc gia Đông Nam Á này.
Không phải người Indonesia nào cũng có tâm lý sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19

Không phải người Indonesia nào cũng có tâm lý sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19

Donald, một doanh nhân 56 tuổi sống ở Medan trên đảo Sumatra của Indonesia, đã tiêm mũi 2 vaccine Sinovac hồi tháng 7-2021. Tháng trước, một người bạn gọi cho ông hỏi có muốn tiêm mũi tăng cường hay không. Donald đã quyết định tiêm bổ sung cho mình tại văn phòng của người bạn. Một y tá đến tiêm với những liều vaccine được cho là còn sót lại từ một trung tâm y tế cộng đồng do Chính phủ điều hành. Cô y tá giải thích, trung tâm y tế mỗi ngày phải đảm bảo phân phối cho đủ hạn ngạch được cấp phát. Nhưng họ vẫn tồn đọng ít nhiều vì người dân địa phương từ chối tiêm. Liều nào chưa sử dụng sẽ được nhân viên y tế trao cho những người sẵn sàng sử dụng.

Thực tế, chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia, vốn chủ yếu dựa vào vaccine Trung Quốc Sinovac và Sinopharm, cũng có nhiều kẽ hở. Đầu tháng 12 này, Abdul Rahim - một người đàn ông ở Pinrang, Nam Sulawesi, đã đăng tải một video lên mạng xã hội, trong đó anh ta tuyên bố rằng đã nhận được 14 mũi vaccine Sinovac thay cho những người khác. Abdul Rahim cho biết, anh ta được những người muốn có giấy chứng nhận tiêm chủng trả từ 100.000 đến 800.000 rupiah (7 - 56 USD) cho mỗi mũi tiêm. Hiện giấy chứng nhận này là yêu cầu cần thiết trong quá trình đi lại hay tới những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng. Abdul Rahim trước đó đã tiêm đủ hai mũi, có nghĩa là anh ta nhận được tổng cộng 16 liều vaccine. Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia cho biết, họ đang điều tra các tuyên bố được đưa ra trong video và đang quyết định xem có buộc tội Rahim theo Luật các bệnh truyền nhiễm hay không. Theo luật, bất kỳ ai “cản trở việc thực hiện kiểm soát đại dịch” có thể bị phạt tù đến 1 năm và có thể bị phạt tiền.

Video của Rahim nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia, nhưng không phải ai cũng thấy những tuyên bố mà anh ta đưa ra đặc biệt gây sốc. Ông Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Australia cho biết: “Đó không phải là điều ngạc nhiên đối với tôi vì tâm lý do dự và chống vaccine vẫn tồn tại ở Indonesia với số lượng đáng kể. Đó cũng là một trong những lý do tại sao tốc độ của chương trình tiêm chủng bắt đầu chậm lại, đặc biệt là bên ngoài đảo chính Java”.

Việc người dân chần chừ tiêm phòng làm phức tạp thêm động lực tiêm chủng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, khi mà riêng việc phân phối vaccine đồng đều cho hơn 17.000 hòn đảo vốn không dễ dàng. Bên cạnh đó về nguyên tắc, người Indonesia phải trình bản sao giấy tờ tùy thân có ảnh để được tiêm phòng. Nhưng các phòng khám ở một số khu vực dường như không tuân theo những yêu cầu này, như các trường hợp của Rahim và Donald.

Cảnh sát địa phương ở Sulawesi sau đó đã tóm gọn những người đã thuê Rahim, buộc họ phải tiêm phòng. Những người này trình bày họ tránh vì sợ kim tiêm và lo lắng về tác dụng phụ. Một số cảm thấy không tin tưởng vào lợi ích của vaccine. Trong khi đó, Donald, doanh nhân người Medan cho biết, ông không hối tiếc về mũi tiêm nhắc lại bất hợp pháp và dự định tiêm liều vaccine thứ tư khi có cơ hội. “Nếu được tiêm phòng, tôi không cảm thấy sợ hãi. Tôi tin rằng, một lúc nào đó tất cả mọi người đều sẽ nhiễm virus này và nếu được tiêm phòng, cơ thể tôi sẽ biết cách đối phó với nó”, ông Donald nói.

Những suy nghĩ trái ngược nhau về tiêm chủng trong tầng lớp dân chúng ở Indonesia vẫn diễn ra khi nước này đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng hôm 16-12. Trước đó, 46 ca nhiễm Omicron được phát hiện ở nước này hầu hết là các trường hợp nhập cảnh và 40 bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19.