Bệnh dại lan rộng tại các tỉnh miền Bắc

(ANTĐ) - Từ năm 2004 đến nay, số người bị bệnh dại liên tục tăng, đặc biệt ở một số tỉnh: Hà Tây, Phú Thọ, Yên Bái... đang có diễn biến phức tạp. Nhưng, các chuyên gia của dự án Phòng chống bệnh dại đã đưa ra những khuyến cáo.

Bệnh dại lan rộng tại các tỉnh miền Bắc

(ANTĐ) - Từ năm 2004 đến nay, số người bị bệnh dại liên tục tăng, đặc biệt ở một số tỉnh: Hà Tây, Phú Thọ, Yên Bái... đang có diễn biến phức tạp. Nhưng, các chuyên gia của dự án Phòng chống bệnh dại đã đưa ra những khuyến cáo.

Người dân cần phải tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo khi nuôi
Người dân cần phải tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo khi nuôi

Báo động đỏ...

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 60.000-70.000 người tử vong vì bệnh dại, trong đó hơn 90% số ca tử vong ở các nước đang phát triển của châu Phi, châu Á... ở Việt Nam, trong nhiều năm qua bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế quan trọng gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và sức khỏe con người.

 Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trung bình hàng năm có khoảng 80 - 100 người chết, riêng trong 6 tháng đầu năm cả nước có gần 243.000 người bị súc vật cắn có đi tiêm vaccine phòng dại (98% nguồn truyền bệnh dại sang người là từ chó); có 59 ca tử vong (41 ca ở miền Bắc), số ca tử vong tập trung chủ yếu ở Hà Tây (12 người) và Phú Thọ (11 người).

Đặc biệt ở huyện Ba Vì - Hà Tây hiện nay đang là điểm nóng về bệnh dại (cả ở người và chó), số người tử vong trong 7 tháng qua là 11 người, hầu hết đàn chó của huyện đều bị dại. Kết quả nghiên cứu của PGS.TS Đinh Kim Xuyến - Phó Chủ nhiệm Dự án phòng chống bệnh dại cho thấy, số người bị tử vong vì bệnh dại chủ yếu tập trung ở độ tuổi trên 15, chiếm 72%. Có rất nhiều lý do bệnh nhân không tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn. 60% do chủ quan vì chó con và chó nhà nuôi; 23% do trẻ khi chơi đùa với chó, bị cắn lại sợ không dám nói với người lớn; 14% không rõ lý do và chỉ có 3% do thiếu tiền. Ngoài ra, còn có trường hợp do gia đình có tâm lý ngại.

Số chó bị nhiễm virus dại ở nước ta rất lớn, lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành, chó nuôi khoảng 6-8 triệu con, một số lớn không được quản lý và tiêm phòng đầy đủ. Trong số những trường hợp bị chó cắn có đến 52% là do chó thả rông. Virus dại xâm nhập vào cơ thể người qua các đường: vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da..., sau khi xâm nhập vào cơ thể nó tồn tại và nhân lên tại vết thương từ vài giờ cho tới vài tuần.

Sau đó sẽ lan tới các đầu mút thần kinh, khi xâm nhập và nhân lên trong tế bào thần kinh, virus dại gây tổn thương não tủy ở các mức độ khác nhau. Thời gian ủ bệnh trung bình là 30- 90 ngày, có những trường hợp nhanh dưới 20 ngày, với trẻ em thời gian ủ bệnh thường ngắn nhất. Những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong.

Nhận biết và xử lý

Virus dại tập trung ở nước bọt, vì vậy khi chó cắn hoặc liếm vào vùng niêm mạc tổn thương sẽ làm lây lan. Biểu hiện lâm sàng ở chó bị bệnh được chia làm hai thể: thể dại điên cuồng và thể dại câm. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều con chó mắc bệnh dại có biểu hiện ở cả hai dạng xen kẽ nhau. Nguy hiểm nhất là ở thời kỳ tiền lâm sàng của hai thể vì rất khó phát hiện, nếu không  tinh ý sẽ không nhận ra sự thay đổi này.

 Vì vậy, khi thấy chó có những biểu hiện: cắn sủa vô cớ, sợ ánh sáng, bỏ ăn... nên nhốt lại để theo dõi vì khi đã phát bệnh, con vật trở nên dữ tợn điên cuồng, chạy tứ tung (tối đa có thể chạy xa 50km), nguy hiểm hơn khi lên cơn, con vật hay cắn xé bừa bãi. Song, không ít  trường hợp sau khi cắn người con chó vẫn sống khỏe mạnh bình thường khiến người dân chủ quan không đi tiêm phòng.

Với người bị mắc virus dại, thời kỳ ủ bệnh, bệnh nhân có tâm lý sợ ánh sáng, sợ tiếng động, từ 2-4 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân thấy đau nhức, sưng tấy tại vết cắn. Khi phát bệnh thì biểu hiện dưới ba thể: thể co thắt, thể này thường gặp nhất: co giật, run các cơ, sợ nước...; thể liệt và thể cuồng ít gặp hơn nhưng lại dẫn đến tử vong nhanh hơn.

Trước thực trạng trên, mỗi người nên tự có ý thức bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình và những người thân, nuôi chó phải tiêm phòng. Trẻ nhỏ không nên để đùa nghịch với chó, nhất là chó con. Còn khi đã bị súc vật dại, nghi dại cắn hay tiếp xúc với chúng, PGS. TS Đinh Kim Xuyến khuyên: “Phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc sau đó dội nước sạch nhiều lần rồi bôi chất sát khuẩn và đi tiêm phòng.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần phải tiêm sớm, tiêm đủ số mũi vì thực tế cho thấy nhiều trường hợp tử vong do bỏ tiêm giữa chừng; nhốt con chó đã cắn người lại để theo dõi trong vòng 15 ngày”. Ngoài ra, chó nuôi phải xích, nhốt và thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho súc vật.    

Ngân  Tuyền