Bê bối thịt bẩn vượt biên giới Brazil

ANTD.VN - Brazil đang chấn động mạnh bởi vụ bê bối thịt bẩn gây phẫn nộ, có thể tác động tiêu cực tới không chỉ xuất khẩu nông sản mà cả nền kinh tế mới nổi song đang trong cơn suy thoái trầm trọng này.

Bê bối thịt bẩn vượt biên giới Brazil ảnh 1Brazil xảy ra vụ bê bối thịt bẩn chấn động chưa từng thấy

Sau cuộc họp nhằm trấn an với 33 vị Đại sứ các quốc gia nhập nông sản của Brazil ngày 19-3, Tổng thống nước chủ nhà Michel Temer đã mời các nhà ngoại giao nước ngoài tới một nhà hàng ở Thủ đô Brasilia để dùng bữa tối với nhiều món chế biến từ thịt của Brazil.

Cuộc gặp “tiếp thị thịt sạch” của Tổng thống Temer diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang chấn động bởi vụ bê bối thịt bẩn nghiêm trọng chưa từng thấy.

Cho dù Chính phủ Brazil đã rất nhanh chóng và nỗ lực nhằm trấn an người tiêu dùng trong nước và quốc tế ngay sau khi bùng phát vụ bê bối thịt bẩn, song rất khó làm được điều này vào thời điểm hiện nay.

Phát biểu sau cuộc gặp giữa Tổng thống Temer với các nhà ngoại giao nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Brazil José Augusto de Castro thừa nhận vụ bê bối thịt bẩn tại nước này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới (xuất khẩu thịt bò, thịt gia cầm số 1 thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn) và sẽ rất khó khăn để cải thiện hình ảnh cũng như lấy lại uy tín trong tương lai. 

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil bùng nổ ngày 17-3 vừa qua khi hơn 1.000 cảnh sát bất ngờ đồng loạt ập vào các nhà máy sản xuất thịt tại 194 địa điểm trên toàn quốc và đã bắt giữ 33 quan chức liên quan. Đây được xem là “mẻ lưới” được lực lượng chức năng cất lên sau hơn 2 năm bí mật điều tra trên quy mô cả nước về vấn đề thịt bẩn.

Theo thông tin ban đầu, cảnh sát Brazil đã phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng để tuồn ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng a xít cũng như một số chất gây ung thư để làm các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm khi bán ra thị trường. Trong các cơ sở chế biển thịt bị điều tra có tập đoàn BRF với các sản phẩm thịt gia cầm mang thương hiệu Sadia và Perdigao, hãng xuất khẩu thịt bò JBS với các thương hiệu như Big Frango, Seara Alimentos và Swift…

Tuy nhiên, cả BRF lẫn JBS đều bác bỏ mọi liên quan tới đường dây thịt bẩn và khẳng định họ tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng cũng như quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng thống Temer khi gặp các nhà ngoại giao ngày 19-3 cũng giải thích rằng, các nhà máy đang bị theo dõi chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành sản xuất thịt ở Brazil bởi chỉ có 21/4.837 nhà máy ở Brazil đối mặt với các cáo buộc vi phạm và cũng chỉ 6/21 cơ sở đã xuất khẩu thịt trong 60 ngày qua.

Thế nhưng, bê bối thịt bẩn tại Brazil đã lan nhanh như điện đi khắp thế giới vì với khoảng 4.000 nhà máy giết mổ và sản xuất thịt, Brazil là nước xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới, với kim ngạch lên tới 11,6 tỷ USD năm 2016. Các sản phẩm thịt của Brazil được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường chủ lực như Saudi Arabia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Nga, Hà Lan, Italia... 

Việc Trung Quốc và Hàn Quốc quyết định đình chỉ ngay lập tức việc nhập khẩu thịt từ Brazil với lý do đảm bảo “an toàn” cho người tiêu dùng cho thấy chấn động của vụ bê bối thịt bẩn không chỉ còn trong phạm vi biên giới của Brazil.