Bê bối "làm tiền" nạn nhân sau thảm họa sóng thần ở Indonesia

ANTD.VN - Trận sóng thần kinh hoàng cuối năm 2018 đã hủy hoại cuộc sống của hàng nghìn người dân Indonesia. Hơn 400 gia đình đã mất người thân và trong bệnh viện hay nhiều nơi khác, những người sống sót còn gánh thêm nỗi đau vì bị “làm tiền”.
 

Ba người ở bệnh viện tỉnh Banten, Indonesia đã bị bắt vì tình nghi lừa đảo 6 gia đình nạn nhân sóng thần 

Hóa đơn “vòi tiền” phi lý

Khi thân nhân của các nạn nhân sóng thần tìm đến nơi tập trung thi thể người chết tại Bệnh viện huyện Serang ở tỉnh Banten, cách vùng ven biển bị tàn phá của Java khoảng 150km, họ rơi vào tình trạng sốc. Jackson Sinaga, cư dân Thủ đô Jakarta (Indonesia) là một trong số đó. Anh đã mất đứa con trai 9 tháng tuổi trong dòng nước bất ngờ ập đến sau khi núi lửa Anak Krakatoa “thức giấc” ngay trước Giáng sinh. “Satria đang ngủ say trong một biệt thự chúng tôi thuê trên bãi biển Carita thì sóng thần ập vào tòa nhà. Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không kịp cứu con trai bé nhỏ mình” - anh Jackson Sinaga kể lại. 

Bị tổn thương và đau khổ vì cảm giác tội lỗi, Jackson đã đến để đưa thi thể của cậu bé đang đặt tại bệnh viện ở Serang. Tuy nhiên, thay vì gặp được sự đồng cảm, người cha 29 tuổi lại được tặng một… hóa đơn. Anh được thông báo phải trả 800.000 Rupiah (tương đương 55USD) cho tiền vận chuyển thi thể. “Bằng tiền mặt” - nhân viên bộ phận pháp y nói. Số tiền đó là không hề nhỏ ở một quốc gia nơi mức lương trung bình hàng tháng dưới 250USD. Tuy nhiên, Jackson không còn đầu óc để tính toán nên đã thanh toán đủ.

Gặp tình huống tương tự, 3 gia đình nạn nhân gặp nhau bên ngoài tòa nhà bệnh viện. Họ cũng đã được thông báo rằng họ phải trả số tiền khoảng 4 triệu Rupiah. Đây là thực tế mặc dù Bộ Y tế Indonesia thanh toán tất cả các chi phí do thảm họa sóng thần bằng tiền từ các kho bạc của Chính phủ. Những gia đình có người thân thiệt mạng tranh luận với nhau, một người quyết định thu thập các biên lai và trình báo chính quyền địa phương.

Khi được hỏi liệu bệnh viện có biết về việc thu phí bất hợp pháp đó hay không, ông Rahmat Fitriadi, Phó Giám đốc Bệnh viện Dradjat Prawiranegara  bật khóc. “Cả ban quản lý và bác sĩ của chúng tôi đều không thu phí bất kỳ dịch vụ nào. Chúng tôi không liên quan gì đến các chương trình này. Đây là một thảm kịch cho bệnh viện của chúng tôi. Tôi hy vọng vụ bê bối này không làm tổn hại đến danh tiếng của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ cuộc điều tra của chính quyền và đang cung cấp thông tin cho họ”, ông Rahmat Fitriadi nói.

Nặng nhất có thể là mức án chung thân

Cảnh sát tỉnh Banten đã vào cuộc, thẩm vấn các bác sĩ, nhà khoa học pháp y và nhân viên bệnh viện. Có vẻ như ít nhất 15 triệu Rupiah đã “chui” vào túi của nhân viên bệnh viện. Cho đến nay, đã xác định được 6 gia đình bị lừa tiền. Một nhân viên bộ phận pháp y và 2 người làm việc ở bộ phận dịch vụ khẩn cấp đã bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng. Cuộc điều tra của chính quyền đang diễn ra.

Ở Indonesia, chuyện nhân viên của các tổ chức công cộng đòi “lại quả” hay phát hành hóa đơn bất hợp pháp không có gì là mới. Các Sở Giao thông sẽ cấp giấy phép lái xe trong một thời gian hợp lý nếu ai đó “thanh toán thêm”. Giáo viên tại các trường công có thể bị mua chuộc để cung cấp đáp án cho các đề thi. Tổng thống Joko Widodo đã nhiều lần hứa sẽ kiềm chế nạn tham nhũng tràn lan. Nhưng trong vụ bê bối gần nhất này, điều mới là người ta “làm tiền” trên sự khốn khổ của các nạn nhân sóng thần. Nếu những người bị buộc tội bị kết án, họ có thể phải đối mặt với bản án chung thân và chắc chắn sẽ vào tù ít nhất 4 năm.

Cho đến hiện giờ, đối với Jackson Sinaga, các vụ bắt giữ không phải là điều anh quan tâm nữa. “Tôi chỉ hy vọng rằng không có người nào còn sống sót mà bị lừa đảo và gặp phải sự thiếu đồng cảm như vậy”, anh nói. Gia đình Sinaga chắc chắn đã mất hết niềm tin vào Bệnh viện huyện Serang. Anh trai và em gái của Jackson, người cũng bị thương nặng trong trận sóng thần, không còn được điều trị tại Serang mà được đưa về một bệnh viện ở Thủ đô Jakarta.