"Bắt bài" sức ép tỷ giá, lãi suất năm 2019

ANTD.VN - Năm 2019, sức ép lên lãi suất và tỷ giá là có thể xảy ra nhưng không tăng mạnh. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ 0,1 - 0,3%. Mức độ biến động của tỷ giá USD/VND sẽ chỉ xấp xỉ như 2018, ít có khả năng xảy ra diễn biến giật cục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Sức ép lãi suất: có nhưng không lớn

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong tháng 12, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đi ngang sau đó giảm khá mạnh vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng. Lãi suất kỳ hạn qua đêm trên liên ngân hàng giảm từ vùng 4,6-4,9% đã duy trì trong suốt gần 2 tháng qua về mức xấp xỉ 4,1%.

Trên thị trường 1, lãi suất VND sau bước tăng mạnh từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 cũng được duy trì ổn định ở mức 4,8-5,5% cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,6% cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 6,8-8,6% cho kỳ hạn 12, 13 tháng.

“Diễn biến này cho thấy NHNN và hệ thống NHTM đã có sự phán đoán, chuẩn bị rất tốt cho nhu cầu thanh khoản cao thời điểm cuối năm và việc nâng lãi suất của FED ngày 19/12” – báo cáo của SSI cho hay.

Có thể thấy, năm 2018 NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm và duy trì đến hết năm. Ước tính tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2018 chỉ ở mức dưới 16%. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Với cách thức điều hành trong năm qua, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cho rằng, năm 2019 nhiều khả năng định hướng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục mang tính thận trọng. Thông điệp xuyên suốt được nhà điều hành đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất. Tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 15%; tăng trưởng cung tiền được định hướng ở mức 14 - 15% (đều thấp hơn năm 2017 và 2018).

Một trong những yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được MBS dự báo đó là quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của NHTM giảm xuống còn 40%. Quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động vốn của các NHTM tăng lên.

Sức ép lên lãi suất, tỷ giá năm 2019 vẫn còn nhưng không quá lớn

MBS cho rằng sức ép lên lãi suất là có thể xảy ra nhưng không tăng mạnh do thanh khoản hệ thống dồi dào và NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhiều khả năng chỉ tăng nhẹ 0,1 - 0,3%. Còn lãi suất điều hành sẽ có thể duy trì ở mức như hiện nay hoặc tăng nhẹ 0,25% do quan điểm thận trọng của NHNN.

Ổn định tỷ giá vẫn là mục tiêu của NHNN

Trong tháng 12, NHNN tiếp tục nâng mạnh tỷ giá trung tâm thêm 75đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch lại giảm mạnh trên cả thị trường ngân hàng và tự do. Cụ thể, tỷ giá chính thức giảm 110đồng/USD; tỷ giá tự do giảm 130-135đồng/USD. Theo tính toán của SSI, tính chung cả năm 2018, VND đã mất giá khoảng 2.2-2.3% so với USD, thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của EUR, GPB và CNY lần lượt là 4.5%, 5.7% và 5.4%.

Còn theo số liệu cập nhật của MBS, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tuy tăng 2,6% so với đầu năm do áp lực tăng giá của USD trên thị trường tiền tệ thế giới, nhưng nhìn chung vẫn được duy trì ổn định trong năm 2018 nhờ NHNN áp dụng chính sách điều hành linh hoạt chính sách thông qua cơ chế tỷ giá trung tâm và bắt đầu can thiệp vào thị trường bằng việc bán ra USD để ổn định tâm lý thị trường.

Bên cạnh đó, chủ trương kiên định giữ lãi suất tiết kiệm USD ở mức 0% tiếp tục phát huy hiệu quả trở thành yếu tố tích cực hỗ trợ điều hành tỷ giá. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi VND với USD vẫn giữ ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức hợp lý, khuyến khích người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm không gian duy trì mức tỷ giá hợp lý.

Theo MBS với nguồn cung USD khá dồi dào khi cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 và dự trữ ngoại hối vẫn duy trì ở mức cao 63,5 tỷ USD là những yếu tố đã tạo dư địa hỗ trợ tỷ giá.

Do vậy, đánh giá chung, trong năm 2019 sức ép tỷ giá được dự đoán sẽ không căng thẳng như năm 2018. Áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới có khả năng tăng lên khi USD có xu hướng tăng lên trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá cũng không quá mạnh và nhiều khả năng sẽ giảm khi quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Fed đã đến giai đoạn cuối và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ suy giảm mức độ tăng trưởng…

Với áp lực gia tăng giá trị đồng USD ở mức vừa phải, MBS đánh giá, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ chỉ biến động nhẹ trong năm 2019 ở mức quanh 2% nhằm cân đối hai mục tiêu ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Cùng chung nhận định, Báo cáo của SSI cho rằng năm 2019, nếu đồng CNY tiếp tục mất giá sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá VND và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất. Tuy nhiên nhờ đã trải qua giai đoạn khó dự đoán nhất là thời điểm mới nổ ra chiến tranh thương mại, các thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lý sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn.

“Mức độ biến động của tỷ giá USD/VND năm 2019 vì vậy sẽ chỉ xấp xỉ như 2018. Ít có khả năng xảy ra những diễn biến giật cục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường” – báo cáo của SSI nhận định.