Báo động tật khúc xạ học đường

(ANTĐ) - Số liệu mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy tỷ lệ học sinh bị cận thị là 26,14% và gia tăng theo cấp học. Điều này cho thấy cần có sự phòng ngừa sớm để hạn chế tật khúc xạ và kéo theo đó là hiện tượng cong vẹo cột sống.

Báo động tật khúc xạ học đường

(ANTĐ) - Số liệu mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy tỷ lệ học sinh bị cận thị là 26,14% và gia tăng theo cấp học. Điều này cho thấy cần có sự phòng ngừa sớm để hạn chế tật khúc xạ và kéo theo đó là hiện tượng cong vẹo cột sống.

Không dễ điều chỉnh tư thế ngồi học của học sinh
Không dễ điều chỉnh tư thế ngồi học của học sinh

Tăng nhanh theo từng năm và từng bậc học

Bệnh viện Mắt Hà Nội vừa hoàn thành khảo sát về tật cận thị và công tác phòng chống cận trong học đường ở 12 trường học trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 4 trường tiểu học. Kết quả cho thấy, 32,4%  học sinh bị các tật khúc xạ. Trong số đó, viễn và loạn thị, những tật chủ yếu do bẩm sinh chỉ chiếm 2,24%, còn lại 30,19% là cận thị. BS Trịnh Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, thống kê năm 1964, tỉ lệ cận trong học sinh tiểu học là 4,2%, sau 30 năm đã tăng lên 16,34%. Những năm gần đây, đà tăng tật khúc xạ học đường cao hơn, năm 2003 là 24,6%, năm 2005 đến nay đã lên tới 36 - 38%.

Đặc biệt, trong số trên 16.000 học sinh (HS) từ tiểu học, THCS, THPT được chọn khám các bệnh về mắt cho thấy, tỷ lệ học sinh cận thị ở cấp THPT chiếm trên 50%. Tỷ lệ này ở THCS chiếm gần 20% và ở cấp tiểu học chiếm trên 20%. Còn tại TP Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát của Bệnh viện Mắt thành phố trong năm học 2006-2007 tại 260 trường học thì có tới 38,88% HS bị cận thị.

Ngoài mối lo các bệnh về mắt, phụ huynh học sinh còn lo lắng hơn với những bệnh lý đi kèm trong đó đáng kể nhất là tình trạng cong vẹo cột sống. Theo Bộ GD-ĐT, hiện chưa có khảo sát cũng như số liệu nào về tình trạng cong vẹo cột sống của học sinh, tuy nhiên, cảnh báo về thực trạng này là rất cần thiết. Còn khảo sát của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM với hơn 4.000 học sinh thì có tới 70% bị cong vẹo cột sống.

Khó hạn chế bệnh học đường

Ông Phạm Ngọc Phương - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học-đồ chơi trẻ em, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Y tế đưa ra chuẩn về thiết kế phòng học, bàn ghế, bảng viết, ánh sáng… Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Phương thừa nhận, một số chuẩn khi đưa vào áp dụng thực tế thì chưa phù hợp. Tiêu chuẩn bàn ghế bất cập ở chỗ chưa có quy định bàn ghế cho từng nhóm tuổi học sinh, đặc biệt là quy định chuẩn bàn ghế theo thể trạng học sinh. “Cùng một lớp nhưng có học sinh chỉ cao 1,4m nhưng có em cao đến 1,7m. Nếu dùng cùng một loại bàn ghế thì không phù hợp” - ông Phương cho biết. Hiện tại phần lớn các trường tiểu học vẫn đang dùng chung một loại bàn ghế cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, thậm chí là dùng chung cho cả học sinh tiểu học và THCS.

Đến nay, phần lớn các trường tiểu học đã được kiên cố hóa, với các tiêu chí về diện tích, độ sáng, không gian… Thế nhưng chính các trường học ở đô thị lại bị mất quy chuẩn này nhất. Mỗi lớp học được thiết kế cho 35 - 40 học sinh/lớp, nhưng với sĩ số thực học lại lên tới 55 - 60 học sinh, thay vì kê 5 dãy bàn ghế, các lớp phải kê lên 7 dãy, vì thế, khoảng cách bàn đầu tiên đến bảng có khi chỉ được 1m. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tật khúc xạ trong học sinh.

Cưỡng bức để tạo thói quen

Để hạn chế các bệnh về mắt, việc điều chỉnh tư thế ngồi học ngay từ bậc tiểu học cần được đặc biệt chú ý, rèn giũa để thành thói quen, từ đó mới có thể hạn chế được sự phát triển các bệnh về mắt hay cong vẹo cột sống trong học sinh ở các bậc học tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế đáng bàn là ở trường, với sĩ số học sinh quá đông, việc nhắc nhở thường xuyên của giáo viên tới từng học sinh là không khả thi, ông Phương cho biết. Ngoài ra, ở nhà phụ huynh không quan tâm đến tư thế ngồi học, hay đọc sách, xem tivi của con cái cũng là tạo cơ hội cho các tật khúc xạ tăng nhanh.

“Việc tạo thói quen, ý thức cho các em học sinh phải được hình thành từ sớm. Tuy nhiên với điều kiện hiện nay, nhắc nhở vẫn chưa đủ để tạo thói quen cho các em. Việc sử dụng các trang thiết bị chống cận thị trong trường học và ở nhà theo tôi là cần thiết để các em sớm hình thành thói quen trong tư thế ngồi học” - ông Phương đề xuất. Với quá trình thí điểm sử dụng dụng cụ chống cận thị do Công ty Vĩnh Khang phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai trong trường tiểu học, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên - bà Phan Lan Phương - cho rằng, tình hình mắc các tật khúc xạ đã được cải thiện. Các em đã có thói quen ngồi thẳng lưng, cao đầu khi viết. Tuy nhiên, kinh phí để trang bị đại trà sản phẩm này trong các trường tiểu học là vấn đề không nhỏ.

Vinh Hương