Báo động tai nạn giao thông đường sắt

ANTĐ - Mới bước sang đầu năm 2012, đặc biệt sau Tết Nhâm Thìn, nhiều vụ tai nạn giao thông  đường sắt thương tâm đã xảy ra. Vẫn là những nguyên nhân cũ, nhưng qua các năm, TNGT đường sắt vẫn luôn là mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu người dân.

Tai nạn giao thông đường sắt đang diễn biến phức tạp

Một ngày 3 vụ

Trong ngày 3-2, trên cả nước đã xảy ra 3 vụ TNGT đường  sắt. Điển hình và thương tâm nhất là vụ  TNGT tại Hà Nam. Trưa 3-2, vụ tai nạn gần Cầu Họ, tiểu khu Bình Giang, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam đã khiến một gia đình đi đón dâu có 3 người thiệt mạng. Theo thông tin ban đầu, đoàn rước dâu từ Bắc Giang về Thái Bình đã dừng xe bên vệ đường bộ giáp với đường sắt để đi vệ sinh. Ba người ở lại xe, đã bị chuyến tàu SE 13 chạy hướng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cán chết tại chỗ. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Sáng cùng ngày, đoạn đường sắt Bắc Nam qua Nghệ An (xã Diễn Trường-Diễn Châu) cũng xảy ra vụ tai nạn khiến một người tử vong. Anh Nguyễn Thế Đ. (25 tuổi) bị tàu hỏa số hiệu TN11 đâm và kéo lê 20m khi đi bộ qua đường ngang dân sinh.

4h30 sáng 3-2, tại km 26+200, tàu khách SP4 trên đường từ Lào Cai về Hà Nội đã đâm vào ô tô 16 chỗ BKS 29B 026.63 trên đoạn giao đường sắt và đường bộ đoạn qua xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh. Ô tô bị tàu húc văng ra xa, biến dạng hoàn toàn. Lái xe tử vong và 4 người khác trên xe bị đa chấn thương. Nhận định ban đầu cho thấy, lái xe đã không tuân thủ tín hiệu báo của nhà tàu, cố tình vượt khi tàu đang đến. Trước đó, vào ngày 1-2, 3 người trong 1 gia đình tại Quảng Ngãi cũng đã bị tàu cán chết trên chiếc xe Innova chở 7 người. Tai nạn giao thông đường sắt mới bước sang đầu năm 2012 nhưng đã khiến dư luận rất lo lắng.

Ông Phạm Công Trịnh, Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam cho biết, trong năm 2011 tai nạn giao thông có liên quan đến đường sắt là 495 vụ, làm chết 234 người, bị thương 307 người, số người chết tăng gần 23% so với năm 2010. “Tiềm ẩn mất an toàn giao thông vận tải đường sắt chủ yếu do nguyên nhân khách quan rất lớn, nhất là ở khu vực tiếp giáp đường bộ, khu vực đường ngang dân sinh”, ông Trịnh nói.

Hiểm họa đường ngang dân sinh

Đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 1.400 đường ngang hợp pháp và gần 5.000 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Như vậy, bình quân cứ 400m đường sắt lại có 1 đường ngang, đặc biệt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định chỉ chưa đến 100m đường sắt lại có 1 đường ngang.

Đáng chú ý hơn, ngoài việc nhiều đường ngang không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, như tầm nhìn bị hạn chế, độ dốc của đường bộ vượt quá quy định... thì cũng có đến 86% các đường ngang hợp pháp, nhưng không đủ điều kiện an toàn theo quy định. Tổng công ty đường sắt cho biết, 85% số vụ TNGT đường sắt trên địa bàn cả nước là có liên quan đến hệ thống đường ngang.

Phân tích các vụ TNGT đường sắt cho thấy, trong tổng số 451 vụ tai nạn giao thông đường sắt có 13% số vụ xảy ra tại các đường ngang hợp pháp, 87% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh tự mở trái phép. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn tại đường ngang là do ý thức của người tham gia giao thông tại các điểm giao cắt chưa cao, không chú ý quan sát tàu khi đi qua đường ngang biển báo. Bên cạnh đó, cả nước hiện còn 24 chiếc cầu chung giữa đường bộ và đường sắt, trong đó, trên tuyến Bắc - Nam có 11 chiếc. Nhiều chiếc cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay đã trên 100 năm nhưng vẫn được sử dụng chung giữa đường bộ và đường sắt, dễ gây ra tai nạn giao thông.

Trong khi đó, Hà Nội vẫn là địa bàn “nóng” nhất cả nước với vấn nạn đường ngang. Theo thống kê, chỉ tính 15 km đường sắt trên tuyến Bắc - Nam từ ga Hà Nội đến xã Nhị Khê, Thanh Trì có 54 đường ngang hợp pháp và có đến 273 lối đi dân sinh bất hợp pháp. Trong năm 2011, trên 15km này cũng đạt kỷ lục về số vụ TNGT đường sắt với 31 vụ, làm chết 12 người và bị thương 20 người.

Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội để giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt, bản thân ngành đường sắt cần phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương giáo dục người dân, học sinh nâng cao ý thức bảo vệ tài sản đường sắt. Đối với đường ngang dân sinh, chỗ nào không có điều kiện lắp đèn báo tự động thì cử người chốt trực, hoặc thành lập những tổ tự quản.

Ngày 3-2, Bộ GTVT đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan siết lại trật tự trong hoạt động đường sắt. Bộ GTVT yêu cầu Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua kiểm tra tình hình bảo đảm ATGT, nhất là tại các điểm giao cắt thường xuyên xảy ra tai nạn, cử người chốt trực ở những điểm nguy hiểm…