Báo động làn sóng tị nạn

ANTĐ - Thế giới đang phải đối mặt với thực tế đáng buồn là số người tị nạn toàn cầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 triệu người sau gần 7 thập kỷ kể từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Nỗi hoảng sợ của một người mẹ ở Syria trong một trại tị nạn

Nhân Ngày Người tị nạn thế giới (20-6), LHQ công bố một báo cáo cho biết, trong năm 2013 đã có tổng cộng 51,2 triệu người trên thế giới phải rời bỏ quê hương, bản quán để chạy trốn xung đột, nhiều hơn 6 triệu người so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, số người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột hoặc khủng hoảng trên toàn thế giới vượt qua ngưỡng 50 triệu người. 

Trong báo cáo đưa ra 1 năm trước đây, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết số người tị nạn trên toàn thế giới năm 2012 ở mức 45,2 triệu người, mức cao nhất trong hai thập niên qua, với nguyên nhân chính là do các cuộc xung đột. Theo tổ chức này, trong năm 2012, cứ mỗi 4,1 giây lại có một người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. 

Trong báo cáo năm nay của UNHCR, Trung Đông tiếp tục là điểm nóng về tình hình tị nạn trong năm 2013 với cuộc nội chiến tại Syria, bạo lực tại Iraq và vấn đề người tị nạn Palestine kéo dài nhiều thập kỷ qua. Đáng lo ngại nhất là Syria khi tổng số người phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi chiến sự bùng phát tháng 3-2011 tại quốc gia này đã lên tới 9 triệu người (khoảng 1/2 số dân Syria), trong đó 2,5 triệu người phải ra nước ngoài tị nạn và 6,5 triệu người khác bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở nơi khác trong nước.

Tuy nhiên, theo UNHCR, với hơn 2,5 triệu người, Afaghistan vẫn là nước có số người tị nạn ra nước ngoài cao nhất thế giới và quốc gia Nam Á này đã giữ vững vị trí “quán quân” đau buồn trong suốt 32 năm qua. Tính trung bình trên toàn thế giới, cứ 4 người tị nạn thì có một người Afghanistan. 

Một vấn đề rất đáng quan ngại nằm ngoài báo cáo năm nay song đã được chính LHQ từng đề cập tới đó là nguy cơ tị nạn môi trường đang gia tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Một báo cáo của các nhà khoa học quốc tế và LHQ đã nhấn mạnh những điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan như bão lũ, lốc xoáy, động đất, sóng thần… cùng với những thảm họa do chính con người gây ra như hạt nhân, ô nhiễm chất thải độc hại… đã buộc ngày càng nhiều người phải rời quê hương đi tị nạn ở các thành phố hoặc tới các nước phát triển. Trong đó, các chuyên gia của LHQ cảnh báo có thể có tới 60 triệu người buộc phải di cư từ khu vực sa mạc Shahara tới Bắc Phi và châu Âu để tị nạn môi trường vào năm 2020. 

Bất lực trước các cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Afghanistan, Somali… nay lại bó tay trước chiến tranh tại Syria, bạo lực ở Ukraine… cùng những mối đe dọa mới với cuộc sống con người, làn sóng hàng chục triệu người tị nạn khắp thế giới thực sự đã trở thành vấn đề đáng báo động toàn cầu.