Bancassurance sẽ không còn là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm 2023, một trong những nguyên nhân là do những khó khăn của mảng bán bảo hiểm (bancassurance – banca).

Tăng trưởng phí từ bán bảo hiểm sẽ chậm lại

Những năm gần đây, đa phần các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh phí dịch vụ từ hoạt động banca, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2022 khi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã liên tục đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.

Đối với mảng nhân thọ (phần lớn phí banca của ngân hàng đến từ mảng này), doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.

Tuy nhiên, năm nay, dự kiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này là một trong các nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng hơn với kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12% so với cùng kỳ. VIB, một ngân hàng có lợi thế trong mảng bảo hiểm cũng chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15%.

Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán VNDirect, có thể nói bancassurance sẽ không còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng trong năm nay. Theo đó, tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động banca của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và theo đó, là nhu cầu mua bảo hiểm. Đặc biệt là việc các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động banca giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

Trong năm 2022, một số ngân hàng ghi nhận thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm cao như HDBank, ACB, và VIB với tổng thu nhập hoạt động từ banca lần lượt ở mức 9% (dữ liệu 6 tháng đầu năm 2022), 7%( cả năm 2022), và 6% (cả năm 2022).

Ngân hàng sẽ đối mặt khó khăn trong việc bán chéo bảo hiểm trong năm 2023

Ngân hàng sẽ đối mặt khó khăn trong việc bán chéo bảo hiểm trong năm 2023

Áp lực từ chi phí vốn tăng, tín dụng giảm tốc

Ngoài ra, năm 2023, các ngân hàng cũng đối mặt khó khăn khi chi phí vốn tăng mạnh khiến NIM (biên lãi ròng) bị thu hẹp. “Chúng tôi cho rằng lợi suất tài sản khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng” – các chuyên gia VNDirect nhận định.

Các chuyên gia cho rằng những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm qua.

Trên phương diện CASA, Techcombank, MB và Vietcombank hiện là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Vietcombank đặc biệt gây ấn tượng khi đã là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm 2022, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” ngân hàng đã triển khai từ đầu năm.

Tỷ lệ chi phí tín dụng trung bình của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng trở lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn trong 2023-2024 trước bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng.

Về tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia dự báo sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.

Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…

Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Theo số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% và cung tiền tăng rất chậm 0,05% so với cuối năm 2022.

Quay lại bối cảnh năm 2022, cung tiền M2 chỉ tăng 3,6% so với đầu năm (tính đến cuối tháng 11/2022); thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng 14,8%; cho thấy áp lực về thanh khoản hiện hữu và hệ số LDR (tín dụng/huy động vốn)của các ngân hàng đều tăng đáng kể so với 2021.