Bán mạnh trước phiên ATC, chứng khoán đảo chiều bất thành, VN-Index giảm hơn 15 điểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù nỗ lực phục hồi trở lại sau phiên giảm gần 40 điểm hôm qua, nhưng lực bán gia tăng mạnh cuối phiên khiến thị trường chứng khoán lại chìm vào sắc đỏ, VN-Index tiếp tục giảm thêm hơn 15 điểm.

Sau phiên giảm mạnh hôm qua, thị trường chứng khoán có vẻ cân bằng trở lại khi mở cửa phiên hôm nay. Dù vậy, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến không có nhóm cổ phiếu nào có biến động đáng kể, thị trường diễn biến phân hóa, VN-Index giằng co quanh tham chiếu.

Tuy nhiên, độ rộng thị trường vẫn thường trực nghiêng về bên bán khiến sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Nhóm chứng khoán sau nhiều phiên bị xả bán thì sáng nay le lói phục hồi với nhiều mã như SSI, HCM, CTS, BSI, FTS có lúc tăng từ gần 3% đến hơn 5% sau khoảng 1 giờ giao dịch.

Trong khi đó, các cổ phiếu thủy sản tiếp tục bị bán mạnh. Đến cuối phiên, cổ phiếu bất động sản trở thành tác nhân chính kéo lùi thị trường, khiến các chỉ số mất đi sắc xanh. Trong đó, VIC giảm 3%, là cổ phiếu kéo lùi thị trường nhiều nhất. Ngoài ra, GVR, BCM... cũng tạm dừng phiên sáng trong sắc đỏ.

VN-Index tạm dừng phiên sáng với mức giảm 7,97 điểm (-0,69%), xuống 1.145,23 điểm.

HNX-Index cũng giảm 1,05 điểm (-0,45%), xuống 230,45 điểm. UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,17%), xuống 88,54 điểm.

Thị trường chứng khoán phục hồi bất thành

Thị trường chứng khoán phục hồi bất thành

Sang đến phiên chiều, lực mua một lần nữa giúp thị trường hồi phục trở lại. Sau khi mở cửa phiên chiều khoảng hơn 20 phút VN-Index đã vượt lên trên tham chiếu.

Chứng khoán là nhóm cổ phiếu dẫn đầu đà tăng của thị trường với hầu hết các cổ phiếu tăng điểm khá mạnh từ 4% đến 9%.

Trong khi cổ phiếu bất động sản có lúc le lói xuất hiện sắc tím ở một số cổ phiếu nhỏ như: SRF, L43, CMS.

Tuy nhiên, hy vọng phục hồi vừa le lói lại bị vùi dập khi ngay trước phiên ATC, thị trường lại tiếp tục bị bán mạnh. Trên bảng điện tử, sắc đỏ nhanh chóng bao phủ, hàng chục cổ phiếu đã chìm vào xanh lơ, trong đó, tập trung ở nhóm xuất khẩu gồm thủy sản, dệt may và cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

Chứng khoán là nhóm hiếm hoi vẫn giữ được sắc xanh của chỉ số nhờ một vài cổ phiếu lớn tăng điểm như SSI, song số mã giảm vẫn nhiều hơn số mã tăng (12 mã giảm/10 mã tăng).

Chốt phiên, VN-Index giảm 15,24 điểm (-1,32%) xuống 1,137,96; HNX-Index giảm 1,75 điểm (-0,76%) xuống 229,75 điểm; UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,31%) xuống 88,43 điểm.

Trên 3 sàn hôm nay có hơn 560 mã giảm, trong đó gần 50 mã giảm sàn; số mã tăng còn chưa đầy 250 mã. VN30 ghi nhận GVR giảm sàn, NVL giảm 6,5%, VHM, PDR, VIC, BCM, VRE đều giảm sâu. Ở chiều ngược lại, có 8 mã tăng điểm là: MSN, SSI, CTG, VIB, MWG, MBB, HPG, VPB.

Thanh khoản thị trường ở mức gần 25.000 tỷ, khối ngoại mua ròng phiên thứ hai liên tiếp với giá trị mua ròng hơn 600 tỷ đồng.

Trước diễn biến giảm giá liên tục gần đây của thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường chưa bước vào giai đoạn downtrend.

Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam đưa ra một số nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm:

Thứ nhất: Do thị trường đang chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11, và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Điều này đã tạo ra tình hình khá căng thẳng cho tâm lý của các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, thông tin về sự tăng giá của tỷ giá hối đoái cùng với các biện pháp gần đây của NHNN liên quan đến việc phát hành tín phiếu điều tiết cung tiền trên thị trường đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định.

Ngoài ra, một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính, tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây.

Yếu tố thứ hai là chu kỳ lãi suất Fed. Các mô hình lịch sử cho thấy thị trường thường biến động mạnh vào các giai đoạn gần cuối của chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Lần này cũng không ngoại lệ, và Dragon Capital dự đoán sẽ có sự biến động ngắn hạn trong thời kỳ tiếp theo cho đến tháng 11.

Yếu tố thứ 3 là tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với đỉnh điểm. Thông thường, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn, có lúc lên đến 20%.

Dragon Capital khuyến cáo nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này. Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5 - 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp.