Bản đồ Trung Quốc phi pháp và chuyện quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản

ANTĐ - Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, Philippines bày tỏ sự ủng hộ với quyền phòng vệ tập thể mới của Nhật, thì Hàn Quốc và Trung Quốc, 2 quốc gia có tranh chấp với Nhật lại lo ngại, về quyết định mới này.
Nguy cơ xung đột từ tấm bản đồ phi pháp
Ngày 2-7, chuyên trang MaritimeSecurity Asia trích dẫn lời chuyên gia D.Gerard Gayou thuộc Tổ chức The Heritage Foundation (Mỹ) cảnh báo rằng, tấm bản đồ phi pháp của Trung Quốc có thể dẫn tới một cuộc xung đột trong tương lai.

Bản đồ Trung Quốc phi pháp và chuyện quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản ảnh 1
Tấm bản đồ phi pháp của Trung Quốc


Chuyên gia Gayou khẳng định: “Bằng cách phát hành bản đồ mới với đường 10 đoạn hồi tuần rồi, nước này muốn củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của họ ở các khu vực trên biển”.
 
Theo ông Gayou, với tấm bản đồ này, Trung Quốc không chỉ tiếp tục thách thức dư luận khu vực và thế giới mà còn khắc sâu hơn vào tâm trí người dân nước này về “tính đúng đắn” của tuyên bố chủ quyền phi lý ôm gần trọn biển Đông. 

Ông cảnh báo, xu hướng này cực kỳ đáng lo ngại vì nó góp phần tăng thêm áp lực chủ nghĩa dân tộc, mở đường để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong trường hợp xảy ra xung đột do tranh chấp chủ quyền trong tương lai. Từ đó, chuyên gia Gayou kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN, có kế hoạch ứng phó những hành vi gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc.

Quyền tự vệ tập thể của Nhật có thể gồm Việt Nam, Philippines

Trả lời phỏng vấn báo Đức, Deutsche Welle, tiến sĩ sử học Jeremy A.Yellen (Đại học Harvard) cho rằng, việc Nội các Nhật thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh cấm Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài, đồng thời thông qua chính sách “phòng vệ tập thể” không chỉ áp dụng với Mỹ, Hàn Quốc, Úc mà còn có thể mở rộng ra với các nước như Việt Nam, Philippines và Ấn Độ.
Theo ông Yellen, điều này nằm trong khuôn khổ sự hợp tác đồng minh với Mỹ. Theo đó, chính sách "phòng vệ tập thể" sẽ cho phép quân đội Nhật Bản bảo vệ tàu thuyền của Mỹ và giúp quét mìn ở vịnh Persia. Nhật có thể bắn hạ tên lửa nhắm bắn vào Mỹ khi bay qua vùng lãnh thổ của Nhật. Mở rộng khả năng của quân đội như vậy mới có thể khiến Nhật không lo lắng việc Mỹ có thể không thực hiện cam kết bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

Bản đồ Trung Quốc phi pháp và chuyện quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản ảnh 2
Với việc Nội các Nhật thông qua nghị quyết mới, lực lượng phòng vệ Nhật sẽ được phép tham chiến ở nước ngoài - Ảnh: Reuters 


Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe diễn dịch Điều 9 Hiến pháp để nhằm vào việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh lấn át trên các vùng biển. Ông Abe đã đề cập đến các xung đột trên biển mới đây do Trung Quốc gây ra với Việt Nam, Philippines như bằng chứng về ý định hung hăng của Trung Quốc.

Thủ tướng Abe đã gợi ý rằng chính sách "phòng vệ tập thể" có thể được mở rộng đến các quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ, nếu các mối đe dọa từ Trung Quốc hoặc các nước xâm lăng khác mang đến. Và chính sách phòng vệ này sẽ được nhân danh là "hòa bình chủ động", theo tiến sĩ Yellen.

Quyền phòng vệ tập thể của Nhật khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”

Tờ Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 2-7 ca ngợi động thái hướng tới nới lỏng quyền thực thi phòng vệ tập thể của Nhật là một “bước đi đúng hướng”. 

Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực của Nhật nới lỏng các hạn chế về quốc phòng. Đài GMA dẫn lời phát ngôn viên Phủ Tổng thống Edwin Lacierda cho biết Manila đang xem xét khả năng siết chặt quan hệ an ninh với Tokyo.

Philippines cũng đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ Nhật trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực liên quan đến những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc. 

Tờ Inquirer cũng nhận định, Nhật có thể hỗ trợ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công. 

Không chỉ Philippines, giới chức Mỹ cũng lên tiếng hoan nghênh chính sách phòng vệ mới của Nhật. Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đều ra tuyên bố coi bước đi trên của Tokyo là “một phần thể hiện sự chín chắn của liên minh Mỹ - Nhật”, đồng thời mở ra cánh cửa cho việc tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa. Lâu nay Mỹ vẫn luôn muốn giảm bớt gánh nặng bằng cách kêu gọi Nhật đảm nhận vai trò lớn và chủ động hơn trong liên minh.

Trong khi đó, hai nước có nhiều vướng mắc lịch sử và chủ quyền với Nhật là Hàn Quốc và Trung Quốc đều lên tiếng phản đối. Theo Yonhap, nhiều nghị sĩ Hàn Quốc ngày 2-7 bày tỏ lo ngại về quyết định mới của Nhật, trong khi đó truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng bài chỉ trích Tokyo. Tờ Nhân Dân nhật báo cáo buộc Nhật “hăm hở phá vỡ hệ thống thời hậu chiến”, còn Tân Hoa xã nêu nghi vấn liệu Trung Quốc có nằm trong lịch trình quân sự của Nhật hay không rồi tự suy diễn là bước đi của Tokyo “khiến thế giới thêm lo”.