Bán bảo hiểm qua ngân hàng: Từ “gà đẻ trứng vàng” đến nỗi ám ảnh của cả khách hàng và nhân viên nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã trở thành “gà đẻ trứng vàng” của nhiều nhà băng những năm qua. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của hình thức này đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy, khiến không chỉ khách hàng ám ảnh về việc bị “ép”, bị “dụ” mua bảo hiểm và nhiều nhân viên ngân hàng cũng đau đầu khi bị ép chỉ tiêu.

Nhiều ngân hàng “kiếm bộn” nhờ bán bảo hiểm

Những năm gần đây, các ngân hàng đã trở thành “cánh tay đắc lực” của các công ty bảo hiểm với nhiều lợi thế vô cùng lớn như: đội ngũ nhân viên đông đảo, mạng lưới giao dịch rộng khắp, data khách hàng lớn...

Nguồn lợi thu được từ phân phối bảo hiểm là rất lớn lại không phải đầu tư nhiều chi phí, nhân lực đã thúc đẩy hàng loạt hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm qua ngân hàng kéo dài hàng chục năm được ký kết.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hàng loạt các thương vụ bancassurance đã được công bố, như VIB, Techcombank, VCB ký độc quyền với FWD; ACB ký độc quyền với Sun Life; MSB hợp tác với Prudential; LienVietPostBank ký độc quyền với Dai-ichi Life; Manulife “bắt tay” VietinBank, Techcombank, SCB...

Hay AIA Việt Nam và VPBank mới đây cũng đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền bancassurance (ký năm 2017) thời hạn từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm. Tương tự, Sacombank và Dai-ichi Life cũng đã tái đàm phán và ký hợp đồng độc quyền mới vào năm 2021...

Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2022, MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống nhờ sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life. Cụ thể, năm 2022, ngân hàng này ghi nhận doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ (năm 2021 là 68%).

Tiếp theo là VPBank với doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm năm 2022 đạt 3.353 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%.

Chưa kể, năm 2022, VPBank còn thu về ước khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA Việt Nam, đưa lãi thuần từ hoạt động khác của VPBank lên tới 10.583 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2021.

Nhiều nhà băng khác như: Techcombank, VIB, TPBank cũng là các ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm.

Trong đó, Techcombank đạt doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm hơn 1.750 tỷ đồng, tăng 12,3%. Tại VIB, riêng thu nhập hoa hồng bảo hiểm là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. TPBank cũng đạt doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm là 876 nghìn tỷ đồng...

Bán bảo hiểm đem lại nguồn thu dịch vụ rất lớn cho các ngân hàng

Bán bảo hiểm đem lại nguồn thu dịch vụ rất lớn cho các ngân hàng

Theo số liệu từ Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), chỉ tính trong nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới.

Con số này dự báo sẽ sớm đạt được mức đóng góp 50% trong tổng doanh thu, có thể vượt qua các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm.

Áp lực lớn, nhiều nhân viên ngân hàng “làm liều”

Theo thống kê, đến nay đã có đến khoảng 26 ngân hàng thương mại tại Việt Nam hợp tác phát triển bảo hiểm nhân thọ. Trên thực tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam mới chỉ đạt 11%. Trong khi đó, tỷ lệ này lên tới khoảng 38% tại Philippines, 50% tại Malaysia, 80% tại Singapore và ở Mỹ lên tới khoảng 90%...

Điều này cho thấy dư địa phát triển thị trường bảo hiểm còn rất lớn. Tuy nhiên với mức thu nhập người dân còn thấp, cộng với một số sự vụ đơn lẻ tiêu cực liên quan đến bảo hiểm khiến việc phát triển thị trường này vẫn còn khó khăn và gặp áp lực cạnh tranh gay gắt.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI, sản phẩm bảo hiểm là tốt và cần thiết nhưng hiện nay, việc bán rất khó nên các doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận chi phí bán hàng cao (trả hoa hồng cao). Đó cũng là lý do hấp dẫn nhiều đại lý bán bảo hiểm, trong đó có ngân hàng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẵn sàng trả phí hoa hồng cao cho ngân hàng và nhân viên ngân hàng cao hơn mặt bằng chung, thậm chí cao hơn trần khống chế của Bộ Tài chính (tất nhiên phải được hợp thức hóa).

Lợi ích lớn cộng với áp lực doanh số khiến nhiều nhân viên ngân hàng bằng nhiều cách khác nhau như tư vấn mập mờ, sai lệch để khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm, “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới giải ngân khoản vay...

Mới đây nhất là sự việc hàng chục khách hàng phản ánh bị các nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn mập mờ về việc tham gia sản phẩm “Tâm An đầu tư”, nhưng thực tế là tham gia hợp đồng bảo hiểm. Các khách hàng này đã phải gửi đơn khiếu kiện đến Bộ Tài chính và Bộ Tài chính đã chuyển những phản ánh này đến cơ quan công an để xác minh, làm rõ.

Trước đó, hàng loạt khách hàng cũng phản ánh khi vay vốn ngân hàng, nếu không tham gia mua bảo hiểm sẽ không được giải ngân khoản vay, nếu hủy hợp đồng bảo hiểm thì lãi suất sẽ bị tăng lên... Hay gần đây, nhiều khách hàng cũng được nhân viên một số ngân hàng gọi điện chào mời mở thẻ tín dụng với hạn mức cao nhưng điều kiện đi kèm là mua gói bảo hiểm...

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), theo quy định, việc tham gia các gói bảo hiểm phải hoàn toàn là tự nguyện. Tuy nhiên, trong việc cấp tín dụng, ngân hàng có quyền căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án sử dụng vốn của khách hàng để đánh giá đủ khả năng trả nợ, lãi vay hay không.

Điều này đã tạo ra một lợi thế “kèo trên” rất lớn cho các ngân hàng trong việc quyết định có cho vay hay không, dẫn đến khả năng nhân viên tư vấn cung cấp thông tin sai lệch nhằm “dụ” khách hàng mua bảo hiểm mới giải ngân khoản vay hoặc tham gia hình thức đầu tư khác.

Không chỉ khách hàng bức xúc mà nhiều nhân viên ngân hàng cũng ám ảnh với chỉ tiêu bán bảo hiểm. Vì bị áp chỉ tiêu và phí hoa hồng cũng hấp dẫn dẫn đến các nhân viên, nhất là ở bộ phận tín dụng phải dùng mọi cách, trong đó không loại trừ việc tư vấn mập mờ để đạt được mục đích khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.

“Thời gian gần đây, sau những sự vụ tiêu cực, NHNN, Bộ Tài chính liên tục có chỉ đạo khiến việc mời chào khách ký hợp đồng ngày càng khó khăn hơn. Dù NHNN chỉ đạo các ngân hàng không áp chỉ tiêu cho nhân viên, nhưng bằng nhiều hình thức như khen thưởng, phê bình, yêu cầu tham gia các lớp đào tạo về bảo hiểm... thì bán bảo hiểm vẫn là sức ép “vô hình” của nhân viên ngân hàng” – Thanh Hương, một nhân viên ngân hàng cho biết.

Ngân hàng – khách hàng cùng có lỗi

Theo quy định về giao dịch dân sự, hợp đồng sẽ bị vô hiệu do lừa dối, đe doạ, cưỡng ép, nhầm lẫn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về luật, việc chứng minh các hợp đồng bảo hiểm vi phạm các quy định trên là rất khó.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, để xảy ra những vụ việc như thời gian qua, rõ ràng là lỗi của những ngân hàng đang hành xử theo kiểu vì lợi nhuận mà sẵn sàng trái với lương tâm, đạo lý.

Theo ông, các ngân hàng cần phải xác định lại cách làm ăn tử tế, bởi nếu thực trạng này kéo dài càng lâu thì khiến người dân có cái nhìn mất thiện cảm về sản phẩm bảo hiểm, về cách hành xử của ngân hàng. Trong khi đây lại là ngành kinh doanh dựa trên uy tín và niềm tin. Một khi niềm tin của khách hàng bị lung lay thì chính các ngân hàng sẽ chịu thiệt hại, sẽ phải trả giá.

Nhân viên ngân hàng lợi dụng khó khăn của khách hàng là đang cần vốn để ép họ mua bảo hiểm. Tuy nhiên, theo vị luật sư, nhiều khách hàng vì nhu cầu vay vốn nên vẫn chấp nhận mua.

“Nếu khách hàng không đóng tiếp thì sản phẩm bảo hiểm đó coi như mất giá trị, nhưng nếu khách hàng tiếp tục đóng thì họ vẫn được hưởng các quyền lợi bảo hiểm khi gặp rủi ro. Tức là họ bị ép mua một mặt hàng, nhưng đây không phải hàng giả, hàng vứt đi” – ông nói.

Do đó, vị luật sư cho rằng, bản thân người mua cũng có cái sai trong mối quan hệ này, không thể đổ lỗi 100% cho ngân hàng. Ngoại trừ trường hợp người dân gửi tiền mà ngân hàng lại chuyển đổi sang sản phẩm đầu tư bảo hiểm, thì đây hoàn toàn là cái sai của ngân hàng và phải có trách nhiệm trong việc này.