Bài học từ vụ nổ làm chìm tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây 20 năm, vào ngày 12-8-2000, tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga bị chìm xuống đáy đại dương ở Bắc cực, dẫn đến cái chết của tất cả 118 người trên tàu. 2 thập kỷ trôi qua, liệu các tàu ngầm của thế giới ngày nay có còn gặp rủi ro dẫn đến thảm kịch kinh hoàng như vậy không?

Sự cố xảy ra khi tàu Kursk, tàu ngầm lớp Antey được hạ thủy 6 năm trước đó và được đặt tên theo một trận thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đang tham gia tập trận với Hạm đội Phương Bắc ở Biển Barents. Một vụ nổ lớn xé nát con tàu dài 150m, sau đó 2 phút, vụ nổ thậm chí còn lớn hơn nhấn chìm tàu Kursk cùng toàn bộ thủy thủ đoàn xuống đáy biển.

Iain Ballantyne, tác giả cuốn sách “Vụ việc chết người: Toàn bộ lịch sử chiến tranh tàu ngầm từ Archimedes tới hiện tại” cho biết: "Giống như nhiều vụ tai nạn khác, nó là sự hội tụ của bi kịch: ngư lôi với thiết bị đẩy không ổn định, vũ khí được bảo dưỡng kém, một số thủy thủ không có khả năng xử lý tình huống khẩn cấp và tàu Kursk thậm chí đã không bắn một quả ngư lôi nào kể từ năm 1998.

Đến năm 2030, toàn bộ dữ liệu về sự cố xảy ra với tàu Kursk mới được giải mật

Đến năm 2030, toàn bộ dữ liệu về sự cố xảy ra với tàu Kursk mới được giải mật

Nguyên nhân chính là rò rỉ nhiên liệu

Hầu hết các thành viên trên tàu thiệt mạng ngay sau các vụ nổ nhưng 23 người vẫn sống, kẹt trong 4 khoang kín ở độ sâu khoảng 100m. Người ta cho rằng họ đã chết sau 8 giờ khi nguồn cung cấp oxy cạn kiệt.

Đại úy Hải quân Dmitri Kolesnikov, một trong số 23 người, đã viết một bức thư với cảm giác đau đớn rằng anh biết mình sẽ chết. Trong bóng tối, Kolesnikov, 27 tuổi, viết: “Tất cả nhân viên từ khu vực 6 và 7 đã chuyển sang khu vực số 9. Có 23 người chúng tôi ở đây. Chúng tôi đưa ra quyết định này bởi vì không ai có thể thoát”. Trên một mặt của bức thư, anh tường thuật đầy đủ về những gì đã xảy ra với tàu Kursk còn mặt kia, anh viết một bức thư riêng cho vợ mình, Olga.

Theo báo cáo của nhóm điều tra, vụ nổ đầu tiên là do rò rỉ nhiên liệu hydrogen peroxide bên trong bệ phóng tên lửa. Khoảng 2 phút sau, một đám cháy dẫn đến vụ nổ của 5 đầu đạn, là đòn chí tử cho tàu ngầm Kursk.

Trong 20 năm qua, một số thuyết âm mưu đã lan truyền. Có giả thuyết cho rằng vụ nổ đầu tiên là do một quả mìn trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, lại cũng có giả thuyết khác đổ lỗi cho một cuộc tấn công của tàu ngầm nước ngoài. Nhưng phần lớn đều công nhận rằng, nguyên nhân gây thảm họa chính là hydrogen peroxide, một nhiên liệu dễ bay hơi mà hải quân Nga vẫn sử dụng vào năm 2000, dù các hạm đội tàu ngầm của Anh và Mỹ đã loại bỏ từ trước đó rất lâu.

Loại nhiên liệu này là nguồn cung cấp năng lượng cho 24 tên lửa hành trình P-700 Granit trang bị cho tàu Kursk để tiêu diệt các tàu lớn. Ngư lôi và tên lửa làm từ hydrogen peroxide đòi hỏi mức độ bảo dưỡng đắt đỏ cao, điều mà hải quân Nga vào cuối những năm 1990 khó có đáp ứng được. Chính bởi không được bảo dưỡng đúng cách nên nhiên liệu bị rò rỉ qua một van bị ăn mòn.

Cái giá sẽ rất đắt nếu lơ là cảnh giác

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Tổng thống Nga V.Putin nói rằng thảm họa xảy ra với tàu Kursk là hồi chuông cảnh tỉnh cho thực trạng báo động trong lực lượng vũ trang Nga sau 1 thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Từ sau thảm họa của tàu ngầm Kursk, Tổng thống Putin đã tăng mạnh chi tiêu quân sự và việc bảo trì tàu ngầm có những thay đổi đáng kể. Hải quân Nga cũng đã ngừng sử dụng hydrogen peroxide làm chất đẩy vào năm 2002.

Tàu ngầm, phương tiện chiến tranh dù hiện đại cỡ nào cũng có thể tiềm ẩn rủi ro nếu không được bảo dưỡng đúng cách và thủy thủ đoàn không được đào tạo để đối phó với mọi tình huống xảy ra. Cái giá phải trả nếu xảy ra hỏng hóc nghiêm trọng về thiết bị trên tàu luôn rất cao. “Bất kỳ quốc gia nào vận hành tàu ngầm đều cần phải nhận thức rằng môi trường dưới biển đều có thể chứa đựng rủi ro, đặc biệt là không được lơ là việc đầu tư thích đáng vào tàu và thiết bị cũng như đào tạo nhân viên”, ông Ballantyne cảnh báo.

Vào năm 2017, một tàu ngầm của Argentina, San Juan, đã gặp thảm họa và bị nổ ở độ sâu lớn ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ với toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng. Ông Ballantyne kết luận: “Đó là một tàu ngầm diesel-điện được trang bị vũ khí thông thường. Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang theo vũ khí hạt nhân vô cùng phức tạp lại càng cần được đào tạo và bảo dưỡng nhiều hơn để giữ an toàn và đảm bảo chúng không gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn, môi trường và cả nhân loại, nếu thảm họa xảy ra”.