Bài 2: Các văn bản đã lỗi thời

(ANTĐ) - Thực tế, việc quy định mức thu phí theo tinh thần Thông tư 26 của Bộ Tài chính đối với người học lái xe hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo ANTĐ, ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ví von: Nếu các cơ sở dạy lái xe chấp nhận thu đúng mức phí đào tạo thì không khác gì “uống nước biển để giải khát”…

Thu phí dạy lái xe ôtô:

Bài 2: Các văn bản đã lỗi thời

(ANTĐ) - Thực tế, việc quy định mức thu phí theo tinh thần Thông tư 26 của Bộ Tài chính đối với người học lái xe hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo ANTĐ, ông Võ Minh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ví von: Nếu các cơ sở dạy lái xe chấp nhận thu đúng mức phí đào tạo thì không khác gì “uống nước biển để giải khát”…

>>> Phí dạy lái xe ôtô: Mạnh ai nấy thu

Mức thu phí theo quy định hiện nay không đủ để các Trung tâm trang trải cho việc dạy học (Trong ảnh: Một buổi thi thực hành lấy bằng lái xe hạng C)

Mức thu phí theo quy định hiện nay không đủ để các Trung tâm trang trải cho việc dạy học (Trong ảnh: Một buổi thi thực hành lấy bằng lái xe hạng C)

Thu không đủ bù chi

Ông Tuấn cho biết: Trước khi có Thông tư 26/2007/TT-BTC, Bộ Tài chính đã có Thông tư 44/2001/TT-BTC ngày 15-6-2001 quy định việc thu và sử dụng học phí trong đào tạo lái xe. Suốt 6 năm sau đó, thông tư này vẫn được áp dụng mặc dù trong cùng thời gian, giá cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ, thiết bị chuyên dùng phục vụ giảng dạy, nguyên vật liệu và chế độ tiền lương đã tăng lên nhiều… riêng xăng dầu đã 7 lần tăng giá. Chính vì thế, ngay từ năm 2005 Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mức thu phí nếu áp theo Thông tư 44 là không đủ để mua xăng dầu, chi trả tiền lương giáo viên và mua ôtô tập lái theo lộ trình đổi mới phương tiện, thiết bị giảng dạy của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến Quyết định số 4170/2001 của Bộ GTVT ban hành Chương trình đào tạo lái xe cơ giới đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ. Với nội dung chương trình học theo quyết định nói trên thì mức thu của Thông tư 44 là không còn phù hợp.

Chính vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam lúc đó liên tiếp nhận được các văn bản của 32 Sở GTVT đề nghị cho tăng mức thu phí đào tạo lái xe nhằm đáp ứng việc trang trải chi phí cần thiết cho giảng dạy, học tập và có tích lũy để tái đầu tư phát triển. Ông Tuấn nói: Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và mãi đến năm 2007 thì Thông tư 26 mới ra đời. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng trăn trở là theo tinh thần thông tư này thì mức thu mới vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cụ thể là mức thu tại Thông tư 26 chỉ tăng so với mức cũ có 10% so với hạng C và 40% so với các hạng còn lại. Trong khi đó, nếu tính đúng, tính đủ thì phải tăng hơn 2 lần.

Hệ lụy

Đến thời điểm này, Thông tư 26 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn mức thu học phí, quản lý và sử dụng học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ vẫn còn hiệu lực. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi trung tâm đào tạo lái xe chỉ được thu của học viên số tiền theo quy định là: 2,2 triệu đồng đối với hạng B1; 2,7 triệu đồng đối với hạng B2; 3,9 triệu đồng đối với hạng C… Với tình hình giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu… biến động như hiện nay thì khoản phí thu như trên thì không cơ sở đào tạo lái xe nào đủ kinh phí để trang trải cho việc dạy học chứ đừng nói đến có tích lũy.

Ông Tuấn phân tích: Theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì phần thực hành đối với học viên của hạng B2 là phải thực hành đủ 400h lái xe và đảm bảo tổng số km phải chạy là 960km. Đối với hạng C là 720h và 1.000km. Nếu tính cả chi phí lý thuyết, thực hành, khấu hao phương tiện, chi phí lương giáo viên… thì chắc chắn khoản thu kia  không thể đủ. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, các trung tâm vẫn ào ạt tuyển sinh, đào tạo... Vậy vấn đề có thể xảy ra là loạn thu phí không kiểm soát được. Để đảm bảo cơ sở của mình vẫn tồn tại, các trung tâm buộc phải cắt xén chương trình đào tạo hoặc thu thêm ngoài quy định. Điều đó kéo theo hàng loạt tiêu cực, không thực hiện được chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, chống các biểu hiện tiêu cực theo chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT đề ra.

Được biết, từ giữa năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã liên tiếp có những văn bản kiến nghị Bộ Tài chính về việc tạm thời chưa thực hiện và sửa đổi Thông tư 26 để điều chỉnh lại mức thu học phí đào tạo lái xe nhằm đảm bảo chí phí cần thiết trong giảng dạy học tập theo hướng nâng cao chất lượng công tác đào tạo.

Thế nhưng đến nay mọi sự vẫn chưa có gì tiến triển. Trong khi đó, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông đã giao cho Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên kiểm tra chất lượng đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Mặc dù nghị quyết yêu cầu các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép (tạm thời hoặc vĩnh viễn) của những cơ sở đào tạo lái xe không đảm bảo tiêu chuẩn quy định hoặc có tiêu cực, cắt giảm chương trình đào tạo, tuy nhiên việc đó rất có thể sẽ khó thực hiện. Đơn giản là bởi nếu đảm bảo đúng quy định thì chỉ còn cách đóng cửa tất cả các trung tâm.

Nguyễn Long - Huệ Linh