Bậc thầy Vịnh Xuân quyền: Không phải đấm đá võ biền mà phải dạy triết lý làm người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thế kỷ trước, những năm 1990, mỗi khi nghỉ hè, tôi thường hay được mẹ đèo xuống khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) để thăm và xem ông Ngô Sĩ Quý dạy võ. Ông Quý là anh ruột của bà nội tôi. Tôi nhớ, đồ đạc trong nhà ông luôn bài trí đơn giản với bộ bàn trà uống nước, chiếc giường sắt và cây đàn violin…

Cơ duyên đặc biệt của người chiến sĩ cách mạng

Bà nội tôi thường hay kể về ông Ngô Sĩ Quý như một điển hình về tài hoa, cốt cách với mong muốn những đứa cháu học được phần nào những nét tinh hoa ấy. Ông Ngô Sĩ Quý sinh ngày 22-10-1922 trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc có truyền thống khoa bảng ở phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ông nội ông là Tiến sĩ, thân phụ ông là cụ Ngô Dưỡng Chính và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Tâm (1900-1987).

Ông Quý là con thứ ba trong gia đình gồm 8 anh, chị, em. Trong ký ức của bà tôi, ông Quý luôn là một người anh nghiêm khắc, sớm có phong thái hào hoa. Bà kể, ông Quý bơi rất giỏi, thường ra sông Hồng bơi cả ngày mới về. Ông cũng là người sớm có đam mê với nghệ thuật. Từ nhỏ, ông Quý đã được một cha cố ở Nhà thờ Lớn Hà Nội chỉ dạy đàn violin và không lâu sau đó đã trở thành một tay đàn có tiếng trong ban nhạc nhà thờ ở Hà Nội bấy giờ.

Nhà văn hóa giáo dục, bậc thầy Vịnh Xuân quyền Ngô Sĩ Quý dạy học trò năm 1995 thế kỷ trước

Nhà văn hóa giáo dục, bậc thầy Vịnh Xuân quyền Ngô Sĩ Quý dạy học trò năm 1995 thế kỷ trước

Trong thập niên 30 thế kỷ trước, ở phố Hàng Bạc có một dàn nhạc giao hưởng của Hoa kiều, trong đó có ông Cam Túc Cường chơi violin, nhà ở Hàng Buồm. Biết ông Quý cũng chơi violin rất hay nên ông Cường mời ông Quý đến chơi cùng ban nhạc, từ đó hai ông trở thành đôi bạn thân thiết. Ngoài âm nhạc, ông Cường còn học thêm Vịnh Xuân quyền với quản gia của gia đình mình. Người quản gia đó chính là cụ Tế Công - cụ Nguyễn Tế Vân (thường gọi là Tế Công) đến Việt Nam từ năm 1931 và ngày nay được các môn sinh Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam suy tôn là sư tổ của môn phái mình.

Cùng chung sở thích nên hai người rất nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Cam Túc Cường đã đưa Ngô Sĩ Quý về nhà giới thiệu với Nguyễn Tế Công… Ông Hoàng Quốc Lập, môn sinh của thầy Quý nhận định: “Nhân duyên đã ngẫu nhiên kết nối 3 người Tế Công - Túc Cường - Sĩ Quý với nhau qua việc cùng luyện tập Vịnh Xuân từ cuối thập niên 1930 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thời gian đó, ông Quý đã tiếp thu khá đầy đủ triết lý cũng như kỹ thuật vận động được cụ Tế Công trực tiếp truyền thụ. Và sau đó là thời gian tập luyện cùng ông Cam Túc Cường, cao đồ của cụ Tế Công - đây chính là quãng thời gian định hình, đặt nền móng cho sự nghiệp võ thuật của ông Quý để hơn 20 năm sau trở thành người có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, truyền bá tinh hoa Vĩnh Xuân Việt Nam, được các lớp thế hệ học trò trong và ngoài nước ngưỡng mộ, tôn vinh và theo đuổi”.

Các thế hệ học trò mãi nhớ về người thầy Ngô Sĩ Quý với những bài học làm người và tâm huyết trọn đời về phát triển con người Việt Nam toàn diện

Các thế hệ học trò mãi nhớ về người thầy Ngô Sĩ Quý với những bài học làm người và tâm huyết trọn đời về phát triển con người Việt Nam toàn diện

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thay đổi tư duy và hành động của ông Quý. Đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã quyết định lựa chọn cho mình con đường tham gia Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và sau đó gia nhập Vệ Quốc đoàn, trở thành người lính của Trung đoàn Thủ đô với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Để tiếp tục con đường đó, ông đã có một quyết định hết sức khó khăn là cáo lỗi lời mời của cụ Tế Công theo cụ vào Nam để tránh chiến tranh đang lan rộng (lúc đó là đầu năm 1947) dù tình thầy - trò vốn rất cao cả trong võ thuật. Từ đó, ông Quý đã có những ngày tháng tự hào trực tiếp cầm súng đánh giặc trong đội hình của Sư đoàn 308.

Năm nay, các học trò của ông cả trong và ngoài nước kính trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy. Cuộc đời nhà văn hóa giáo dục Ngô Sĩ Quý đã mãi như mùa xuân vĩnh hằng như cơ duyên của ông với Vịnh Xuân quyền. Đó cũng là lát cắt về một người Hà Nội bình dị nhưng luôn hết lòng vì tương lai đất nước!

Đến năm 1949, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi ông được điều động sang làm cán bộ phụ trách Thiếu sinh quân của Đại đoàn 308, để từ đó bước chân vào mặt trận mới với tư cách là một nhà sư phạm (quản lý và giáo dục thanh thiếu niên) và gắn bó với nó đến cuối đời. Giai đoạn năm 1950-1956, ông là giáo viên âm nhạc của trường Thiếu sinh quân Việt Nam đóng tại Nam Ninh - Quảng Tây, Trung Quốc (gọi là Khu học xá Nam Ninh). Cũng chính những năm sống ở đây, được tiếp xúc với giới võ thuật Trung Quốc, ông đã nhận ra môn võ thuật mà ông được cụ Tế Công truyền dạy chính là Vịnh Xuân quyền đang được đánh giá rất cao trong giới Võ thuật Trung Quốc (mệnh danh là Quyền trên Quyền). Lúc đó, ông nung nấu khát vọng sau này sẽ truyền bá môn võ này đến với thế hệ trẻ Việt Nam nhằm “nâng cao thể chất và tri thức sống cho thế hệ thanh niên Việt Nam bằng cái đẹp của Vịnh Xuân quyền”.

Năm 1956, ông Ngô Sĩ Quý về nước công tác tại Vụ Sư phạm - Bộ Giáo dục trong vai trò cán bộ nghiên cứu lĩnh vực văn - thể - mỹ. Trong thời gian từ 1959- 1965, ông bắt đầu việc tìm hiểu, chuẩn bị các tư liệu để thực hiện khát vọng truyền bá Vịnh Xuân quyền cho thế hệ trẻ Việt Nam. Bằng sự kiên trì theo đuổi khát vọng của mình, ông đã bắt đầu quá trình này bằng việc truyền dạy cho con cháu trong gia đình (khoảng 1967-1968) rồi mở rộng dần cho nhiều thế hệ thanh niên 5X, 6X, 7X và chính họ sau này đã làm rạng danh tên tuổi của ông.

Tâm huyết trọn đời…

Để tìm hiểu thêm về một người Hà Nội đặc biệt, tôi tìm đến võ sư Nguyễn Đức Dũng, người học trò gắn bó với ông Quý từ 15 tuổi. “Những giai thoại truyền miệng về cụ Quý như phi tiêu bách phát bách trúng, hay nhẹ nhàng đánh bay phản gỗ lim… thì không cần đề cập đến, vì trình độ võ thuật của thầy là thượng thừa. Trên hết, câu chuyện cần nói là về nhà giáo, nhà văn hóa Ngô Sĩ Quý” - võ sư Nguyễn Đức Dũng khẳng định.

Trong việc dạy võ, dù là ai, ông Quý đều rất khắt khe, chỉ dạy từng ly từng tý. Từng chi tiết nhỏ trong đời sống cũng được ông nhắc nhở, dạy dỗ học trò. Võ sư Nguyễn Đức Dũng nhớ lại, những năm 1980, ông Quý có một chiếc Honda Cub do học trò tặng. Khi xe hỏng, không ai dám đụng vào. Ông bảo, tháo tung ra, không sợ bởi: “Nếu không tháo ra, sẽ không bao giờ biết được cái xe thế nào, sửa được hay không không quan trọng”.

Nhà văn hóa giáo dục, bậc thầy Vịnh Xuân quyền Ngô Sĩ Quý

Nhà văn hóa giáo dục, bậc thầy Vịnh Xuân quyền Ngô Sĩ Quý

Rồi một lần, võ sư Dũng cùng một học trò khác được ông giao sửa cửa nhà. Khi sửa xong, ông Quý ra kiểm tra và chỉ kéo cánh cửa nhẹ, một kiếng “két” vang lên…Ông bắt học trò sửa lại đến lúc nào trơn tru thì thôi. “Đó chỉ là 2 kỷ niệm nhỏ, hàng ngày ông đều dạy dỗ chúng tôi cách sống, học làm người. Từng việc nhỏ nhất cũng phải chú tâm, làm hết sức, làm tốt nhất có thể. Phải sửa mình từ những việc như vậy” - võ sư Nguyễn Đức Dũng nói và chia sẻ, trong cả cuộc đời thanh bạch của mình, ông Ngô Sĩ Quý chưa bao giờ nhận mình là võ sư mà luôn coi mình là một nhà giáo, một nhà văn hóa.

Cả cuộc đời mình ông luôn đau đáu với việc đưa việc vận động vào giáo dục để tạo nên con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đặc biệt đối với ông, dạy võ không phải là dạy đấm đá võ biền mà là dạy cái triết lý làm người, đề cao sự nhận thức, từ đó giác ngộ lẽ phải để hành động cho đúng, cho tốt. “Trên đầu ta chỉ có chính nghĩa mà thôi - câu nói của thầy ai trong chúng tôi cũng nhớ mãi. Đó là bài học làm người ngay thẳng, cương trực, không khuất phục cường quyền, làm chủ bản thân để tự tin vào chính mình” - võ sư Nguyễn Đức Dũng nói.

Năm 1976, tại Hội nghị Võ thuật Toàn quốc do Bộ Giáo dục tổ chức, ông Ngô Sĩ Quý đọc tham luận “Kết hợp thể dục hiện đại có chọn lọc với các hình thức vận động cổ truyền để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Bắt đầu từ đây, Ngô Sĩ Quý đã dành toàn bộ công sức, trí tuệ nhằm đào tạo các thế hệ học trò, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về vận động. “Vận động” không chỉ gói trong triết lý của Vịnh Xuân quyền mà nó được ông Quý đúc kết cả từ triết học cổ từ bát quái, ngũ hành, từ Thái cực đến Thiếu Lâm. Hệ thống vận động của ông Ngô Sĩ Quý luôn đặt sự cân bằng cơ bắp, khí lực lên hàng đầu. Nó giúp bảo vệ hệ thống trung khu thần kinh, đảm bảo não bộ phục hồi nhanh, tránh căng cứng.

Từ đó, giúp con người thích nghi với các hoàn cảnh xã hội. Võ sư Nguyễn Đức Dũng cho biết, Giáo sư Tô Như Khuê đã từng tìm đến ông Quý để cùng nghiên cứu, áp dụng hệ thống vận động của ông vào trong quân đội cho những lực lượng đặc biệt như đặc công, phi công. Việc thử nghiệm được thực hiện ở Bệnh viện Quân y 103. Sau các hoạt động đặc thù của quân đội, người tham gia thử nghiệm sẽ thực hiện vận động theo cách của ông Quý, rồi đo đạc xem trạng thái phục hồi ra sao thì thu được kết quả ban đầu rất tích cực...