“Bác sỹ” điện tử
(ANTĐ) - Họ không phải là những người được đào tạo về y khoa, nhưng không thể thiếu họ trong các bệnh viện. Đó là những người điều khiển, vận hành, sửa chữa và lựa chọn những thiết bị y tế mang lại hiệu quả cao nhất cho bất cứ một đơn vị nào liên quan đến ngành y tế. Đó là kỹ sư điện tử y sinh - một nghề mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây.
Một chiếc máy citi scaner, một thiết bị chụp cộng hưởng tử với rất nhiều thông số kỹ thuật sẽ chỉ là một cục sắt vô tri vô giác và những người bác sỹ sẽ khó khăn hơn trong công việc chẩn đoán của mình nếu như không có những kỹ sư điện tử y sinh cài đặt những phần mềm điện tử vào chiếc máy đó.
Để từ đây, những thông số sức khỏe sẽ giúp các bác sỹ chẩn đoán chính xác bệnh của bệnh nhân, tìm ra hướng điều trị tích cực.
Bắt đầu được triển khai từ năm 1998 tại khoa điện tử viễn thông trường Đại học Bách khoa, điện tử y sinh đã cho ra trường khoảng 200 kỹ sư điện tử y sinh. Những năm đầu, số lượng sinh viên chưa biết nhiều về ngành đào tạo mới này nên số lượng tuyển vào thường chưa đủ chỉ tiêu - 50 sinh viên.
Chính vì lý do này mà hầu hết sinh viên ra trường đến đâu hết đến đấy, nhân lực cho ngành lúc nào cũng khan hiếm. Mới đây trường Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng bắt đầu tuyển sinh ngành này, nhằm phục vụ cho công tác quân y trong lực lượng vũ trang.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên đồng thời được thực tập tại phòng thí nghiệm chuyên ngành tại trường, kết hợp với việc tham quan và thực tập tại các bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ sở y tế lớn tại Hà Nội, trao đổi với các Giáo sư và sinh viên nước ngoài sang làm việc và học tập tại Việt Nam.
Song song với quá trình học tập, sinh viên còn được tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô trong ngành. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành y tế đã được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Đặc biệt có những thiết bị đã được triển khai vào trong thực tế, nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, đem lại nhiều hiệu quả trong khoa học công nghệ để chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho nhân dân.
Có thể kể ra đây một vài ứng dụng có ý nghĩa thiết thực với ngành y tế như thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số hiện đang được ứng dụng tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, máy điện xung tại Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện E Hà nội, Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, thiết bị điều trị mắt (hay còn gọi là máy điện phân mắt) được sử dụng tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Trung tâm Mắt Bình Định, Quy Nhơn... Nhiều nhiều lắm những công trình khoa học đang giúp ích cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Một chương trình đào tạo tiên tiến sắp được triển khai tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu từ tháng 8 năm nay. Đó là chương trình đạo tạo chuyên ngành kỹ sư điện tử y sinh của trường Đại học Winconsin (Hoa Kỳ), với mục đích để những sinh viên xuất sắc có thể tiếp cận được những thiết bị y tế cực kỳ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển như vũ bão của nghề y Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Toàn bộ chương trình được dạy bằng tiếng Anh (trừ các môn chính trị, xã hội). Trong đó, toàn bộ học kỳ I và 2/3 thời gian học kỳ II năm thứ nhất sẽ dành để học tiếng Anh. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật y sinh của trường đại học có thứ hạng cao (Top 20) tại Mỹ.
Nội dung các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành được tập trung vào các môn như: Cơ sở điện sinh học, Mạch xử lý tín hiệu y sinh, Công nghệ chẩn đoán hình ảnh trong y tế, Cảm biến và kỹ thuật đo lường y sinh, Mạng thông tin y tế, Thiết bị điện tử y tế, Xử lý ảnh y tế, An toàn bức xạ và an toàn điện trong y tế, Y học hạt nhân và kỹ thuật xạ trị, Thiết kế thiết bị y tế.
Giảng viên là những giáo sư của trường Đại học Bách khoa HN và một số trường, viện nghiên cứu có kinh nghiệm giảng dạy, từng dạy và học tại các nước nói tiếng Anh; một số môn học chuyên ngành sẽ do các giáo sư Mỹ trực tiếp giảng dạy.
Những sinh viên tốt nghiệp ngành điện tử y sinh đều có nhiều triển vọng về nghề nghiệp. Với nền tảng kiến thức được nhà trường cung cấp và với nỗ lực của mỗi sinh viên trong quá trình học tập, các bạn trẻ khi chọn ngành này có thể làm việc tại các bệnh viện, các công ty thiết bị y tế, các viện nghiên cứu thiết bị y tế.
Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là dù mục tiêu đào tạo đặt ra là tạo nguồn nhân lực cho các bệnh viện nhưng số lượng người đào tạo chuyên ngành này làm việc tại bệnh viện chỉ chiếm khoảng 30%, 70% còn lại là làm việc trong các công ty thiết bị y tế.
Đào tạo một kỹ sư điện tử y sinh không hề đơn giản, và vì thế hy vọng có một chế độ tốt hơn để những kỹ sư điện tử y sinh có chỗ đứng trong các đơn vị y tế, cùng với đội ngũ bác sỹ chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.
Yên Hưng