Bà Yingluck rời Thái Lan, đoạn kết của dòng họ Shinawatra?

ANTD.VN - Việc cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trốn khỏi nước này đi lưu vong như người anh trai - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra để tránh bị bỏ tù khiến người ta đặt câu hỏi liệu đây có phải là hồi kết trên chính trường của dòng họ nổi tiếng Shinawatra?

Bà Yingluck rời Thái Lan, đoạn kết của dòng họ Shinawatra? ảnh 1Mặc dù được nhiều người ủng hộ nhưng bà Yingluck buộc phải đi lưu vong để tránh bị kết án tù

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon, bà Yingluck Shinawatra đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực. Một nguồn tin an ninh cho biết bà Yingluck đã ra đảo Koh Chang, ngoài khơi tỉnh Trat ở Đông Nam Thái Lan, giáp biên giới với Campuchia, từ đó đáp máy bay trực thăng đến Phnom Penh (Campuchia), nơi bà lên một chiếc máy bay thuê sẵn để đến Singapore rồi bay tiếp đi Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất).

Ở Thái Lan, tên của dòng họ không bao giờ trùng nhau. Khi ai đó mang họ Shinawatra thì người ta biết ngay người đó thuộc gia tộc Shinawatra giàu có và đầy quyền uy ở phía Bắc Thái Lan. Gia đình bà Yingluck có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Cha của bà, ông Lert Shinawatra, từng là thành viên của Quốc hội Thái Lan với tư cách đại diện cho thành phố Chiang Mai. Một chị gái của bà Yingluck là Thị trưởng Chiang Mai, anh trai Thaksin từng là Thủ tướng, còn các anh chị khác cũng là thành viên của Quốc hội. 

Kể từ năm 2001, đảng chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan đều có liên quan đến dòng họ Shinawatra. Đầu tiên là sự nổi lên của ông Thaksin Shinawatra, người tham gia chính trường năm 1994 và trở thành Thủ tướng vào năm 2001. Mặc dù có những báo cáo về tình trạng tham nhũng phổ biến trong Chính phủ, ông Thaksin vẫn giành được chiến thắng vang dội khi tái tranh cử trong cuộc bầu cử  vào tháng 1-2005.

Khác với người anh, bà Yingluck làm chính trị là điều bắt buộc. Ngày 19-9-2006, trong lúc ông Thaksin đang tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), một số chỉ huy trong Quân đội Hoàng gia đã đưa xe tăng bao vây tòa nhà Chính phủ tại Bangkok, lật đổ Chính phủ của ông. Những người trung thành với đường lối của nhà Shinawatra đã đứng ra lập một đảng mới là Pheu Thai (Vì nước Thái) và mời bà Yingluck lên làm Chủ tịch đảng. Với sự ủng hộ của đông đảo người dân, đảng của bà Yingluck đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-7-2011, đưa bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan ở tuổi 44. 

Trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo khá nhức nhối ở Thái Lan và người nghèo cảm thấy bị bỏ rơi bởi tầng lớp tinh hoa Bangkok, bà Yingluck đã tung ra nhiều chính sách như bảo hiểm sức khỏe toàn diện, giải tỏa nợ, các khoản vay cho các công ty khởi nghiệp và đặc biệt là trợ giá lúa gạo cho nông dân. Bà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân cư đông đảo ở các tỉnh phía bắc, đông bắc và tầng lớp lao động ở Thủ đô Bangkok. 

Nhưng chính chính sách mà phe chống đối coi là mị dân, đặc biệt là chính sách trợ giá gạo, đã gây tác dụng ngược lại đối với bà. Sau khi bị phế truất khỏi cương vị Thủ tướng trong cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014, bà bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây ra thất thoát hàng tỷ USD cho Chính phủ. Nếu bị tuyên có tội, bà sẽ phải đối diện với án 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị trọn đời theo Hiến pháp mới do quân đội soạn thảo.

Rời khỏi đất nước, bà Yingluck tránh được tù đày. Tuy nhiên theo giới quan sát, với sự kiện bà Yingluck ra đi, gia đình Shinawatra xem như đã bị đẩy hoàn toàn ra khỏi chính trường Thái Lan. Bởi sau bà Yingluck, nhà Shinawatra không có đủ sức hút và lãnh đạo để đứng đầu gánh vác trọng trách. “Đây là đoạn kết của dòng họ Shinawatra vì họ đã bỏ cuộc”, nhà bình luận nổi tiếng Thái Lan Atukkit Sawangsuk viết trên Facebook.