Ba vướng mắc lớn cản trở tiến độ siêu sân bay quốc tế Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo Quốc hội về tiến độ sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ cho biết, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 tại dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay quốc tế Long Thành (do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư) mới đạt hơn 10.698 tỷ đồng.

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội là tiến độ các dự án thành phần vẫn đang bám sát kế hoạch đặt ra.

Cụ thể, tại dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ cho biết, Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tài chính đang thực hiện lập và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đầu tư, gồm đồn công an cửu khẩu, hải quan, cảng vụ hàng không.

“Trường hợp được bố trí vốn trung hạn 2021-2025, các chủ đầu tư sẽ đầu tư các công trình đảm bảo tiến độ vì đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp. Thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng 6/12 tháng, thi công khoảng 24 tháng, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Phối cảnh nhà ga quốc tế sân bay Long Thành

Phối cảnh nhà ga quốc tế sân bay Long Thành

Chính phủ cho biết, Bộ GTVT và các đơn vị ngành hàng không xác định hạng mục đài kiểm soát không lưu và nhà ga hành khách là hai đường găng của dự án. Do đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung đẩy tiến độ công tác chuẩn bị hạng mục này để không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 tại dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHK quốc tế Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư mới đạt hơn 10.698/22.850 tỷ đồng vốn đã bố trí (tương đương 46,81%).

Diện tích đất đã thu hồi hơn 1.284,5/2.532 ha (gồm 1.810 ha giai đoạn 1 và 722 ha đất dự trữ phục vụ giai đoạn 1) chỉ đạt 50,7%.

Cụ thể, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác GPMB.

Vướng mắc lớn thứ hai là việc tại phạm vi GPMB dự án có khoảng 1.000 hộ dân đang gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường (chuyển nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay). Đáng nói là nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch của giai đoạn 1 theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán Nhà nước như: điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không hỗ trợ chuyển đổi việc làm đối với các đối tượng nhân công, nội trợ; các nhân khẩu trong sổ hộ khẩu có mối quan hệ gia đình... thì không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

“Các vướng mắc nêu trên đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.