Ba nhân viên cứu trợ nhân đạo Liên hợp quốc thiệt mạng tại Sudan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ba nhân viên Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trong các cuộc đụng độ vũ trang ở Sudan.
Người dân tập trung trên đường ở phía Đông Thủ đô Khartoum, Sudan

Người dân tập trung trên đường ở phía Đông Thủ đô Khartoum, Sudan

Thông tin này được Giám đốc điều hành của WFP, bà Cindy McCain cho biết ngày 16-4-2023. Theo bà Cindy, các nhân viên cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đã bị sát hại hôm 15-4 tại huyện Kabkabiya ở phía Tây Sudan.

Bà Cindy cho biết thêm, một chiếc máy bay do WFP vận hành đã bị “hư hại đáng kể” tại Sân bay Quốc tế Khartoum cùng ngày.

“Bất kỳ thiệt hại nào về sinh mạng trong các hoạt động nhân đạo là không thể chấp nhận và tôi yêu cầu thực hiện các bước ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho những người còn lại”, Giám đốc điều hành của WFP nói, đồng thời cho biết thêm “các nhân viên cứu trợ là trung lập và không bao giờ nên trở thành mục tiêu”.

“Trong khi xem xét tình hình an ninh đang diễn ra, chúng tôi buộc phải tạm dừng mọi hoạt động ở Sudan”, bà Cindy thông báo.

Hôm 15-4, các cuộc đụng độ đã nổ ra ở Thủ đô Khartoum và các thành phố khác giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự đầy quyền lực ở quốc gia Bắc Phi này. Mỗi bên đều cáo buộc bên kia hành động thù địch.

Năm 2019, Tổng thống Omar al-Bashir, người lãnh đạo đất nước Sudan trong hơn 25 năm, đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Kể từ đó, đất nước được điều hành bởi Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp (TSC), cơ quan này từng bị giải thể trong một thời gian ngắn, sau đó được phục hồi sau một cuộc đảo chính khác vào năm 2021.

Những căng thẳng hiện tại giữa lực lượng quân đội và RSF bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này. Việc sáp nhập 2 lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.

Các cuộc giao tranh đã nổ ra xung quanh sân bay và dinh tổng thống, cũng như xung quanh các căn cứ quân sự. RSF tuyên bố đã kiểm soát “hơn 90% các địa điểm chiến lược ở Khartoum”.

Trong khi đó, tờ Sudan Tribune trích dẫn một tuyên bố của Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) ngày 16-4 cho biết quân đội đã chiếm được bảy căn cứ của RSF trên khắp đất nước, trong đó có một căn cứ ở Thủ đô Khartoum.

Ai Cập và Nam Sudan, có chung đường biên giới với Sudan, đã kêu gọi hai bên ngừng bắn. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã điện đàm với người đồng cấp Nam Sudan, Salva Kiir, hôm 16-4. Theo phát ngôn viên của Tổng thống Sisi, Ahmad Fahmy, các nhà lãnh đạo bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải để chấm dứt giao tranh tại Sudan.

Hiệp hội bác sĩ Sudan ngày 16-4 cho biết, ít nhất 56 người đã thiệt mạng và 595 người bị thương trong các cuộc đụng độ tại quốc gia Bắc Phi này.