ASEAN và Trung Quốc đàm phán COC khởi đầu năm mới

ANTD.VN - Các quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc sẽ khởi đầu năm mới Mậu Tuất 2018 với một cuộc đàm phán quan trọng với hy vọng có thể hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

ASEAN và Trung Quốc đàm phán COC khởi đầu năm mới ảnh 1Một cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

Đại diện 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ chính thức khởi động đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) vào đầu tháng 3 tới tại Việt Nam. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên về những nội dung chi tiết của Bộ Quy tắc mà khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hoà bình và ổn định ở Biển Đông.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 50 (AMM-50) diễn ra tại Thủ đô Manila của Philippines vào ngày 6-8-2017, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC, sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán. Việc thông qua dự thảo khung COC được đánh giá là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.

Việc ASEAN và Trung Quốc phải mất tới gần 4 năm mới có thể hoàn tất được dự thảo khung COC cho thấy tiến trình đàm phán những nội dung cụ thể của văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng các bên liên quan, đặc biệt là các thành viên ASEAN vẫn rất muốn sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng về COC bởi tầm quan trọng của Bộ Quy tắc này với hoà bình và ổn định khu vực.

Hơn 15 năm trước, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký kết sau thời gian dài đàm phán là một thỏa thuận được ASEAN và các nước thành viên của hiệp hội dẫn ra mỗi khi nảy sinh va chạm, tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Song do không mang tính ràng buộc pháp lý nên DOC ngày càng tỏ ra không hiệu quả trong việc góp phần vào việc giải quyết những căng thẳng và tranh chấp xảy ra ngày càng nghiêm trọng trên Biển Đông.

Trong khi đó, Biển Đông với vai trò chiến lược trọng yếu - là tuyến vận tải biển huyết mạch - có vai trò và ảnh hưởng cực kỳ quan trọng không chỉ ở khu vực mà trên toàn cầu. Bất kỳ một căng thẳng, va chạm hay tranh chấp, chứ chưa nói tới xung đột, ở Biển Đông đều đe doạ nghiêm trọng tới không chỉ tuyến vận tải biển huyết mạch mà còn cả hòa bình và an ninh khu vực cũng như thế giới.

Chính vì thế, Biển Đông rất cần một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý như COC để thay thế cho DOC. Nội dung chi tiết của COC sẽ được ASEAN và Trung Quốc đàm phán từ tháng 3 tới tại Hà Nội, song chắc chắn phải dựa trên những nguyên tắc căn bản là giữ nguyên trạng ở Biển Đông, không làm gì phức tạp thêm tình hình và không được sử dụng vũ lực; giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp bằng đàm phán hòa bình.

Năm 2018 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc khi hai bên kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời dự kiến sẽ thông qua Tầm nhìn Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2030 tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 vào năm sau... Hy vọng, đó sẽ là những nhân tố tích cực thúc đẩy hai bên xúc tiến đàm phán, sớm đạt được thỏa thuận về COC, đưa Bộ Quy tắc đi vào cuộc sống nhằm tạo nền tảng ràng buộc pháp lý cho việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.