ASEAN tiếp tục củng cố trụ cột quan trọng về kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM-55) diễn ra trong các ngày từ 17 đến 22-8 tại thành phố Semarang, tỉnh Trung Java, Indonesia, tiếp tục có những biện pháp củng cố một trong ba trụ cột quan trọng của ASEAN là Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững

AEM-55 là hội nghị cuối cùng trong chuỗi các cuộc họp AEM thuộc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia năm 2023. Kết quả của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra vào tháng 9 tới tại Jakarta. Với 19 cuộc họp và 9 hoạt động chính, AEM-55 đã thảo luận nhiều chương trình nghị sự quan trọng về kinh tế của khu vực.

Áp phích cổ động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023

Áp phích cổ động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023

Kinh tế ASEAN đang phải đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức, cả bên trong và bên ngoài, nhất là những tác động tiêu cực của lạm phát và nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái sau đại dịch Covid-19. Để vượt qua các thách thức trên, ASEAN đã vạch ra định hướng lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững ở khu vực; duy trì ASEAN là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu; nâng cao khả năng ứng phó và tự cường của ASEAN trước các biến động; chú trọng an ninh năng lượng, an ninh lương thực; tự cường y tế, ổn định tài chính - kinh tế và xử lý các vấn đề xuyên biên giới; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ chế ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; củng cố lập trường, vai trò và trách nhiệm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, toàn cầu.

Cụ thể hóa định hướng nói trên, Hội nghị AEM-55 đi vào thực hiện 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, hoàn thành các ưu tiên kinh tế của nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 là Indonesia như ký kết Nghị định thư sửa đổi lần thứ hai Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand. Hội nghị cũng dự kiến phê chuẩn các văn kiện liên quan đến Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN, các tuyên bố cấp bộ trưởng liên quan đến Khung sáng kiến về các dự án công nghiệp ASEAN, các Điều khoản tham chiếu (ToR) và Thỏa thuận cấp kinh phí thành lập đơn vị hỗ trợ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực vào năm 2024.

Mục tiêu thứ hai của hội nghị là tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại và đối tác chiến lược, trong đó có việc thông qua Chương trình công tác đầu tư và thương mại ASEAN - Liên minh châu Âu giai đoạn 2024 - 2025, thay đổi thời gian hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada vào năm 2025, xây dựng kế hoạch công tác nhằm thúc đẩy Quan hệ đối tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản sáng tạo và bền vững, phê chuẩn ToR của Ủy ban hỗn hợp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và các văn kiện khác liên quan đến đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ.

Mục tiêu cuối cùng của Hội nghị AEM-55 là tăng cường hợp tác giữa các chủ thể kinh doanh trong ASEAN và các nước đối tác. Năm 2022, kim ngạch thương mại của ASEAN đạt 3.800 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 722,2 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của cả khu vực, vượt qua Mỹ (10,9%) và Liên minh châu Âu (7,7%). Trong khi đó, thương mại nội khối ASEAN chiếm 22,3% tổng kim ngạch thương mại, tăng so với mức 21,3% vào năm 2021. Về đầu tư, tổng nguồn vốn chảy vào ASEAN đạt 224,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng 5,5% so với năm 2021. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng kinh tế của ASEAN dự báo sẽ đạt tương ứng 4,6% và 4,9% trong năm 2023 và 2024.

Tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập ngày 31-12-2015, đánh dấu cho việc hội nhập một cách toàn diện của nền kinh tế Đông Nam Á với thế giới. AEC đặt ra 4 mục tiêu lớn: Hình thành một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua việc tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Xây dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh thông các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử. Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đồng thời thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Cuối cùng là hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu.

Tuy nhiên, kể từ khi ra đời tới nay, AEC không có nhiều bước tiến lớn đáng chú ý. Tầm nhìn nhiều thập kỷ về tiến trình hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn trong khu vực đã được vạch ra, song trở ngại còn rất lớn. Hợp tác nội khối của ASEAN hiện vẫn ở mức thấp so với các quan hệ đối tác khác trong khu vực, do thị trường của các nước thành viên ASEAN chưa phát triển bằng thị trường của các nước ngoài ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ hội bên ngoài khu vực có thể hấp dẫn hơn và dễ nắm bắt hơn.

Để vượt qua các thách thức trên, hướng tới mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, ASEAN đang tập trung vào các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển thể nhân... Song song với đó là việc củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông…

Các biện pháp nói trên đều đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) với các nguyên tắc điều chỉnh thương mại nội khối dựa trên cơ sở các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và mức độ mở cửa thị trường rất cao.

Nhằm mở rộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hongkong (Trung Quốc). Với mục tiêu mở rộng liên kết khu vực, ASEAN đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 5 nước đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào tháng 11-2020. Đây là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích. Khi được 15 nước thực thi, RCEP sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và GDP 26,2 nghìn tỉ USD. ASEAN cũng đang tiến hành đàm phán nâng cấp 3 hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ngoài ra, ASEAN còn đang cân nhắc về khả năng đàm phán FTA với Canada và Liên minh châu Âu (EU).