ASEAN tăng cường đối phó với thách thức an ninh năng lượng, lương thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh năng lượng, lương thực trên thế giới. Điều này đặt ra những thách thức với các nước, trong đó có ASEAN, đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp đối phó.
ASEAN đang thúc đẩy chính sách chuyển đổi năng lượng

ASEAN đang thúc đẩy chính sách chuyển đổi năng lượng

Nội dung hợp tác quan trọng trong năm của ASEAN

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 32 (ACC) vừa diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta, Indonesia, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cho rằng, an ninh năng lượng và lương thực là một trong các nội dung hợp tác cần chú trọng năm nay. Mục tiêu này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững ở khu vực, duy trì vị thế của ASEAN là động lực tăng trưởng toàn cầu, nâng cao năng lực ứng phó và tự cường.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường năng lượng ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Nhu cầu tổng thể tăng 80% kể từ năm 2000, trong đó riêng nhu cầu về điện có tốc độ tăng trưởng trung bình là 6% hàng năm. Đây là một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới. Hàng triệu người dùng mới đã có thể tiếp cận nguồn điện kể từ năm 2000 và khu vực đang trên đường đạt được sự tiếp cận phổ cập tới nguồn năng lượng điện vào năm 2030.

Dự kiến trong 2 thập kỷ tới, khu vực Đông Nam Á sẽ phải bổ sung thêm mức năng lượng tương đương toàn bộ hệ thống năng lượng của Nhật Bản hiện tại mới đáp ứng nhu cầu. Điều này tạo nên áp lực đối với các hệ thống năng lượng của khu vực, khi phần lớn nhu cầu được đáp ứng bằng việc tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, hiện vẫn có khoảng 45 triệu người trong khu vực không có điện, nhiều người vẫn phải dựa vào nhiên liệu sinh khối rắn để nấu ăn.

Đi liền với thách thức về năng lượng là an ninh lương thực. Đông Nam Á là quê hương của một số nhà sản xuất hàng hóa nông sản chính như gạo, dầu cọ và đậu khô. Khí hậu thuận lợi và đất đai màu mỡ giúp khu vực này trở thành một vùng trồng trọt chính. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số của khu vực đã dẫn đến nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các loại lương thực chủ lực như gạo và ngũ cốc. Trên thực tế, khu vực cũng là nhà nhập khẩu chính đối với một số mặt hàng nông sản, những mặt hàng mà nhu cầu nội địa tiếp tục vượt mức sản xuất trong nước. Ví dụ điển hình là Indonesia và Philippines, những quốc gia nhập khẩu gạo dù họ cũng trồng loại lương thực này. Bên cạnh đó, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mì và thức ăn gia súc, do khí hậu nhiệt đới của khu vực không phù hợp cho việc trồng lúa mì.

Trong khi đó, đã xuất hiện tình trạng “trì trệ sản lượng” ở các quốc gia như Indonesia, Myanmar, Thái Lan... Tiến trình đô thị hóa dẫn đến việc đất nông nghiệp để trồng trọt và thu hoạch ít hơn, làm ảnh hưởng đến sản lượng lương thực xuất khẩu. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cũng gây ra rủi ro đối với sản lượng lương thực của khu vực. Theo ông Gregory Seow, Giám đốc Ngân hàng toàn cầu của Ngân hàng Maybank Singapore, Đông Nam Á “không chắc sẽ trở thành vựa lương thực cho thế giới trong thời điểm hiện nay”. Mặc dù các nước ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, nhưng những hồi chuông báo động về nguy cơ đói nghèo liên tục được reo lên. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho biết, năm đầu của đại dịch Covid-19, tại khu vực Đông Nam Á vẫn có khoảng 7,3% dân số bị suy dinh dưỡng, trong khi 18,8% phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vừa hoặc nghiêm trọng; 27,4% trẻ em Đông Nam Á dưới 5 tuổi bị chậm phát triển, phần lớn thuộc các gia đình nghèo và khu vực nông thôn.

Nhiều biện pháp đối phó với an ninh năng lượng và lương thực

An ninh năng lượng và lương thực đã trở thành thách thức với ASEAN, đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp đối phó. Theo các nhà khoa học, tổng cung cấp năng lượng chính của khu vực (TPES) dự báo sẽ tăng 2,63 lần, từ 623 triệu tấn dầu tương đương (MTOE) năm 2017 lên 1.630 MTOE vào năm 2040. Trước mắt, vào năm 2025, TPES của khu vực ước tính đạt 900 MTOE. Để đáp ứng như cầu tăng cao, ASEAN đã đưa ra nhiều biện pháp. Chẳng hạn, khu vực tiếp tục mở rộng liên kết lưới điện đa phương ASEAN với sự tham gia của Singapore với liên kết hiện có của 3 nước Lào, Thái Lan, Malaysia thông qua việc 4 nước ký Tuyên bố chung về Liên kết lưới điện; Triển khai xây dựng thêm 4 dự án cảng LNG tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia…

Bên cạnh các vấn đề an ninh năng lượng, hậu quả của nhu cầu năng lượng tăng lên với khu vực là sự gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG), có khả năng đạt 4.171 triệu tấn CO2- eq vào năm 2040. Do đó, khu vực cần ưu tiên quan tâm giải quyết hài hòa giữa nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng cao và sự tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu mang lại.Để giải quyết những lo ngại này, ASEAN đã thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Cụ thể, trong giai đoạn II (2021-2025), ASEAN nhất trí rằng đổi mới sáng tạo là một thành phần quan trọng trong việc cân bằng an ninh, chuyển đổi năng lượng của khu vực và tính bền vững.

Tháng 9-2021, ASEAN đã thành lập Trung tâm về công nghệ than sạch ASEAN. Đây là trung tâm R&D khu vực hợp tác về các quy trình sử dụng than sạch nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng chấp nhận môi trường. Năm 2019, Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) cũng đã khởi xướng hai trung tâm mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác nâng cao kiến thức và chuyên môn về năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng sinh học giữa các viện kỹ thuật, học viện và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực.

Về an ninh lương thực, ASEAN tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác trong khu vực thông qua thực hiện Chiến lược hợp tác về lương thực và nông lâm nghiệp 2016-2025, Khuôn khổ an ninh lương thực và Chiến lược hành động về an ninh lương thực 2021-2026 và Khuôn khổ Chiến lược và Chương trình hành động về dinh dưỡng 2018-2030. ASEAN cũng đề ra chiến lược phối hợp để giảm sự phụ thuộc của khu vực vào nhập khẩu lương thực bằng cách tăng sản lượng gạo, củng cố vị thế của mình trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới. Việc tăng sản lượng lúa được thực hiện bằng sự kết hợp của các đổi mới công nghệ, bao gồm việc chuyển đổi sang trồng lúa cải tiến bằng công nghệ sinh học, tăng năng suất trên trang trại của các giống lúa ưa thích, cải thiện cơ sở hạ tầng, tài trợ đầu vào và cải thiện kỹ năng quản lý nông hộ nhỏ.

Các nước ASEAN cũng quan tâm đến vấn đề thương mại và nhu cầu lương thực của khu vực. Theo hướng đó, các nước ASEAN chú trọng việc kiềm chế đà tăng của giá lương thực, từng bước kéo giảm giá thành các mặt hàng lương thực nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các loại thực phẩm chất lượng cao của người dân.ASEAN cũng đang xem xét cách thức xây dựng dựa trên các cơ chế hiện có của mình trong việc chèo lái làn sóng tăng giá của các mặt hàng. Một trong số đó là cơ chế Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTORR), được thành lập vào năm 2011, nhằm ngăn chặn lạm phát giá gạo tăng nhanh và không khuyến khích đầu cơ giá và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia thành viên.