ASEAN phấn đấu trở thành “mỏ neo” cho ổn định và tăng trưởng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đối mặt với hàng loạt thách thức như phục hồi sau đại dịch Covid-19, tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN vẫn chứng minh vị thế và sức bật, nỗ lực phấn đấu trở thành “mỏ neo” cho sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Tiêu dùng nội địa là một trong những yếu tố giúp ASEAN duy trì tăng trưởng tích cực

Tiêu dùng nội địa là một trong những yếu tố giúp ASEAN duy trì tăng trưởng tích cực

Tâm điểm của kinh tế thế giới

Từ ngày 9 đến 11-5-2023, tại Labuan Bajo (Indonesia) sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Là Chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia đưa ra chủ đề của năm là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” với nhiều ưu tiên, sáng kiến nhằm nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức và đưa Hiệp hội trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu.

Năm 2022 không phải là năm thuận lợi với kinh tế toàn cầu bởi hàng loạt thách thức, khủng hoảng đan xen. Tuy nhiên, trong bức tranh không mấy sáng sủa đó, ASEAN vẫn nổi lên như một điểm sáng, tâm điểm của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3,4%, ASEAN đã duy trì mức tăng trưởng tích cực 5,2%. Có thể kể ra một số lý do để Đông Nam Á đạt được thành tựu trên. Thứ nhất, đó là những lợi ích thương mại từ việc các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch. Thứ hai, là thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30%, giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Thứ ba, là việc tái cấu trúc các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN đã làm tăng vốn FDI đáng kể. Ngoài ra còn có sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của các ngân hàng trung ương các nước và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực.

Còn các định chế tài chính quốc tế và khu vực thì cho rằng, phần lớn tăng trưởng của ASEAN là nhờ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, sự phục hồi của nhu cầu trong nước và đầu tư, sự phát triển đô thị diễn ra khắp khu vực, ngành du lịch phục hồi nhanh sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Khu vực thu hút được các ngành sản xuất do chi phí tương đối thấp. Thương mại và đầu tư nội khối tăng mạnh chính là yếu tố bảo vệ ASEAN phần nào trước các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Chính vì thế trong ngắn hạn, ASEAN vẫn có vùng đệm để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái quốc tế nào sắp tới.

Với những cải cách liên tục cùng bước phát triển đột phá trong những năm gần đây, ASEAN được cộng đồng quốc tế đánh giá là một tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Hiện ASEAN chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu; khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI thế giới. Quy mô nền kinh tế số dự kiến đạt 194 tỷ USD. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN - mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỷ USD, dựa trên 3 trụ cột về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội chính là một minh chứng sống động cho sức sống của ASEAN, nâng tiến trình liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.

Việt Nam đóng góp lớn cho tăng trưởng của ASEAN

Theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,9%, thấp hơn so với mức 3,4% của năm 2022. Ngân hàng thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3% mà WB công bố hồi tháng 6-2022. Với ASEAN, các tổ chức tài chính đánh giá khu vực khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5,2% của năm 2022. Tuy nhiên, theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và IMF, nền kinh tế khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 vẫn sẽ vượt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí IMF nhận định đà tăng trưởng của thế giới đang nghiêng về khu vực châu Á, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như trong khu vực ASEAN.

Trung Quốc mở cửa được xem là “cứu cánh” cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở nhóm các nước Đông Nam Á, vốn có quan hệ đầu tư và thương mại khá mật thiết với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, làn sóng suy thoái toàn cầu đang lấn át những hiệu ứng tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, “làn gió ngược” là nguy cơ lạm phát ở một số nhóm hàng hóa đầu vào sản xuất có thể sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực.

Trong bối cảnh đó, ASEAN đang tập trung nâng cao năng lực thể chế và thúc đẩy hợp tác theo các xu hướng lớn hiện nay, như phục hồi bao trùm, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn… để duy trì đà tăng trưởng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã đưa ra nhiều ưu tiên, sáng kiến cụ thể trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, trong đó chú trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế và ổn định tài chính-kinh tế. Những ưu tiên, sáng kiến này được đánh giá là phù hợp quan tâm, lợi ích của các nước thành viên; được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực, nâng cao năng lực ứng phó và tự cường của Hiệp hội.

Để thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên trong năm 2023, các nước thành viên đều cho rằng, ASEAN cần một môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phục hồi và phát triển. Các nước thành viên cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực thể chế của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Theo đó, các nước thành viên sẽ nghiên cứu các biện pháp tăng cường chức năng, vai trò của một số cơ quan của ASEAN, nâng cao hiệu quả của cơ chế ra quyết định và thúc đẩy các giải pháp huy động nguồn lực. ASEAN cũng sẽ nỗ lực duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, đề cao đối thoại, hợp tác và khuyến khích các đối tác đóng góp xây dựng, cùng giải quyết các thách thức chung.

Cùng với các nước thành viên ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm nay. Nhìn lại quá trình phát triển của Việt Nam, nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng mạnh từ mức 155,8 tỷ USD vào năm 2012 lên 409 tỷ USD vào năm 2022. Tỷ trọng của Việt Nam trong GDP khu vực ASEAN cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 6,5% trong thập kỷ trước lên 10,8%. Theo Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh, bất chấp những thách thức kinh tế mà cả thế giới đang phải đối mặt, ASEAN đang cho thấy cách quản lý khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những nước đóng góp lớn cho sự tăng trưởng đáng kể nói trên là Việt Nam - quốc gia dẫn đầu trong việc thể hiện cách thức phục hồi hậu đại dịch, đồng thời tiến hành những chuyển đổi kinh tế quan trọng và giúp người dân ứng phó với những thách thức đang phải đối mặt.

Ông Satvinder cho rằng trên thực tế, Việt Nam không chỉ tích cực thúc đẩy hội nhập ASEAN mà còn đang hội nhập vào các nền tảng toàn cầu và đang đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương rất hiệu quả với các đối tác kinh tế quan trọng. Việt Nam đang đi đúng đường và đang cho phần còn lại của ASEAN thấy những gì cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế và làm thế nào để trở nên phù hợp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đang ở vị thế để khai thác tốt nhất từ hội nhập ASEAN.