ASEAN nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng phát triển mạnh ở các nước ASEAN, trở thành một vấn đề của khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi các nước phải quan tâm và nỗ lực tìm biện pháp ngăn chặn.
Những đối tượng người Nhật Bản bị cáo buộc liên quan đến lừa đảo qua điện thoại bị trục xuất khỏi Campuchia, tháng 11-2023.

Những đối tượng người Nhật Bản bị cáo buộc liên quan đến lừa đảo qua điện thoại bị trục xuất khỏi Campuchia, tháng 11-2023.

Nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh, thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu trong đời sống xã hội, tỷ lệ người dân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà mạng Internet mang lại, ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng với người dùng, trở thành mối đe doạ đáng kể, ngay cả với những cá nhân thận trọng.

Được ví như một ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm 2023 và dự đoán năm 2024 sẽ còn tăng hơn. Chắc chắn không có ngành nào lãi suất cao như vậy. Ông Aaron Elliot Gross, người đứng đầu bộ phận tội phạm và lừa đảo tài chính tại Công ty công nghệ tài chính Revolut, cảnh báo xu hướng ngày càng tăng của các mạng lưới tội phạm tinh vi khai thác các kênh truyền thông xã hội để lừa đảo người dùng. Chúng triển khai các chiến thuật lôi kéo, chẳng hạn như lừa đảo núp bóng đầu tư tài chính, để dụ dỗ các cá nhân thực hiện giao dịch. Theo con số thống kê, trên quy mô toàn cầu, trong năm 2023, số tiền bị lừa đảo qua mạng là 53 tỉ USD.

Với khu vực Đông Nam Á, theo một quan chức hàng đầu của LHQ, các đường dây điều hành ngành lừa đảo trực tuyến khổng lồ ở châu Á đang luân phiên hoạt động ở khu vực. Chúng thiết lập các hồ sơ giả nhằm chào mời các kế hoạch lãng mạn, đầu tư mạo hiểm với lợi nhuận khổng lồ hoặc đóng giả cảnh sát để đòi tiền chuộc… Đặc biệt, các nước ASEAN còn quan ngại về tình trạng những kẻ buôn người đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là của mạng xã hội, để thực hiện các hoạt động lừa đảo. Thông qua mạng, chúng tiếp cận nạn nhân, đưa họ đến trung tâm lừa đảo liên quan đến cờ bạc trực tuyến, tiền điện tử và cho vay trực tuyến. Nạn nhân thường là những người có ít cơ hội việc làm ở quê nhà.

Theo GASA, tổ chức quốc tế chuyên về cảnh báo, phòng, chống lừa đảo trực tuyến, trong năm 2023, mỗi người Việt Nam được khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo trực tuyến. Có 24 hình thức lừa đảo phổ biến như: Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; rao bán hàng giả, hàng nhái qua sàn thương mại điện tử; giả mạo công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát cáo buộc nạn nhân tham gia các vụ án và lừa nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn để chiếm đoạt tài sản...

Ở Thái Lan, năm 2022, Đại học Hoàng gia Thái Lan Suan Dusit đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến trên cả nước về hoạt động “lừa đảo qua điện thoại”. Kết quả cho thấy 21,02% số người được hỏi thừa nhận đã trực tiếp bị lừa đảo qua điện thoại. Ở Malaysia, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban truyền thông và đa phương tiện thông báo đã nhận được 785 báo cáo về lừa đảo trực tuyến liên quan đến mạng xã hội Facebook, ứng dụng Telegram, WhatsApp, Instagram và email. Còn theo thống kê của Lực lượng cảnh sát Singapore, số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 64,5% so với cùng thời gian của năm trước. Nhóm những người từ

18 - 34 tuổi bị lừa đảo trực tuyến cao nhất ở mức 52%. Ngược lại, nhóm người cao tuổi, từ 55 - 65 tuổi trở lên, ít gặp phải lừa đảo nhất với tỷ lệ 14%.

Biện pháp ngăn chặn của các nước ASEAN

Bảo đảm an ninh, trong đó có an ninh mạng, là một nhân tố quan trọng góp phần cho sự thịnh vượng của khu vực ASEAN. Vì vậy, các nước ASEAN và từng thành viên đều nỗ lực tìm cách ngăn chặn tội phạm trên mạng. Khu vực đã thành lập Ban điều hành tội phạm mạng ASEAN để hỗ trợ các nước ngăn chặn loại tội phạm này. Ban điều hành phổ biến báo cáo hoạt động mạng cho các nước ASEAN, cung cấp thông tin tình báo về các mối đe dọa mạng, bao gồm lây nhiễm phần mềm độc hại, gian lận xâm phạm email doanh nghiệp, tấn công tiền điện tử và lướt web.

Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vào tháng 5-2023, lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố chung về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ như các mạng xã hội hay các nền tảng trực tuyến. ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp phòng chống tội phạm thông qua các cơ chế khu vực và sáng kiến của hiệp hội; sử dụng các công cụ công nghệ; chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và bài học kinh nghiệm; trao đổi thông tin; tiến hành diễn tập, tác chiến phối hợp; cũng như các cuộc điều tra chung liên quan đến phòng chống tội phạm buôn người trên mạng.

Từng nước ASEAN cũng áp dụng các biện pháp đối phó. Tại Singapore, từ 5-1-2024, tất cả các mạng điện thoại ở nước này như Singtel, Starhub, M1 và Simba đều có thể cho khách hàng thực hiện chức năng chặn số gọi quốc tế nhằm ngăn chặn nạn lừa đảo qua điện thoại. Dự kiến đến giữa tháng 6 năm nay, các nhà mạng sẽ mở rộng tính năng chặn cả tin nhắn quốc tế. Cảnh sát Singapore thì làm việc với các hãng công nghệ như Meta và Google để chặn nạn lừa đảo trên mạng xã hội. Hướng xử lý là mạng Meta sẽ dừng ngay các tài khoản Whatsapp khi bị phát hiện sử dụng để lừa đảo. Còn Google sẽ đưa ra biện pháp phủ đầu, theo đó chủ động quét và chặn các đường link dẫn tới các website lừa đảo.

Ở Thái Lan, chính phủ nước này đã phê chuẩn dự thảo sắc lệnh khẩn cấp về việc đấu tranh chống nạn lừa đảo trực tuyến, cho phép các tổ chức tài chính được phép tạm ngừng các giao dịch đáng ngờ để tiến hành kiểm tra, giám sát. Các công ty viễn thông cũng được phép trao đổi với nhau về dữ liệu khách hàng và trao quyền tiếp cận các dữ liệu này cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Văn phòng chống rửa tiền Thái Lan cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác. Đường dây nóng 1441 của Trung tâm vận hành chống lừa đảo trên mạng đã được thiết lập, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ Internet, ngân hàng, cảnh sát và công ty viễn thông trong cuộc chiến chống nạn lừa đảo trên mạng.

Malaysia thì đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên trước nạn lừa đảo việc làm. Việc giáo dục này được tiến hành thông qua đường dây nóng, các diễn đàn tương tác trên mạng xã hội như X, Facebook hay Instagram, cũng như thông qua các hội thảo tại trường học, các cộng đồng địa phương. Tháng 2-2023, Malaysia đã chính thức khởi động chiến dịch quốc gia chống lừa đảo trên các nền tảng kỹ thuật số. Chiến dịch có sự tham gia của các lực lượng chức năng, trung tâm an ninh mạng cũng như các doanh nghiệp viễn thông.

Tại Philippines, thống kê của công ty viễn thông Globe cho thấy, nạn lừa đảo qua tin nhắn ngân hàng hay cuộc gọi đã giảm tới 85% trong năm 2023. Đây là kết quả hợp tác của công ty viễn thông này với Hiệp hội Ngân hàng Philippines, bao gồm 45 ngân hàng và thành viên khác trong hệ thống tài chính. Hiệu quả hợp tác đạt được cũng nhờ quy định từ phía Chính phủ Philippines yêu cầu tất cả các công ty viễn thông và tổ chức tài chính phải chịu trách nhiệm về những giao dịch thanh toán trái phép hay thanh toán sai, bao gồm việc bồi thường cho nạn nhân bị lừa đảo.