ASEAN đồng loạt bác bỏ yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Ngoại giao Indonesia đã xác nhận rằng, một loạt các quốc gia thành viên ASEAN không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đã bác bỏ các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Đá Subi của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bồi đắp thành đảo nhân tạo

Đá Subi của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bồi đắp thành đảo nhân tạo

Theo đó, các quốc gia thành viên ASEAN và một số quốc gia lớn đã gửi công hàm tới Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong năm nay, Indonesia đã gửi công hàm tới Liên hợp quốc hai lần vào ngày 26-5 và 12-6. “Điều này có nghĩa là các nước này đã nói với Liên hợp quốc rằng chúng tôi không muốn có bất kỳ vi phạm nào đối với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”- ông Damos Dumoli Agusman, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Hiệp ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trong cuộc họp báo.

Ông Damos Dumoli Agusman cũng tuyên bố rằng yêu sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông “sẽ vẫn là phi pháp chừng nào họ tiếp tục phản đối. Hơn nữa, công hàm không phải là một lập luận chính trị mà là một lập luận pháp lý được chứng minh theo luật pháp quốc tế”. Ông Agusman gọi “cuộc chiến công hàm” là cuộc xung đột về lập luận pháp lý trên quy mô quốc tế giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Trong năm nay, Trung Quốc đã 6 lần gửi công hàm tới Liên hợp quốc để nêu yêu sách đối với lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông. Các công hàm này là phản ứng đối với việc Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này ở Biển Đông ngày 12-12-2019.

Một số quốc gia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Ngày 16-9 vừa qua, Anh, Pháp, Đức đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc khẳng định các tuyên bố chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

“Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS và nhắc lại rằng phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc ngày 12-7-2016 xác nhận rõ ràng điểm này” - nội dung công hàm khẳng định. Công hàm cũng nêu rõ: “Lập trường này được tái khẳng định mà không ảnh hưởng đến các tuyên bố của các quốc gia ven biển có liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể đất liền được hình thành tự nhiên và các khu vực thềm lục địa ở Biển Đông”.