Áp giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh trong hàng không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Người dân, chuyên gia kinh cũng như đại diện một số hãng bay đều phản đối ý kiến nên áp giá sàn vé máy bay.

Giá sàn- trái nguyên tắc thị trường

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa diễn ra tuần qua, khi tham gia góp ý về Luật Giá (sửa đổi), một đại biểu đã đề nghị bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa. Dù vậy, nhiều người dân, chuyên gia kinh tế không đồng tình với ý kiến này.

Chị Nguyễn Hải Hà trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội cho biết, vé máy bay không phải là mặt hàng thiết yếu, hơn nữa hiện đang có nhiều hãng hàng không tư nhân và Nhà nước cùng tham gia cung cấp vận tải hành khách hàng không thì việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh.

“Doanh nghiệp kinh doanh đã tính được bài toán lời-lỗ khi bán ra sản phẩm, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ giám sát việc thực thi của họ có đúng pháp luật hay không mà thôi. Còn sản phẩm họ bán có giá thấp, có giá trung bình nhưng cũng có giá vé rất cao, vậy tại sao lại phải áp giá sàn?

Hãy để hành khách là người quyết định tiêu đồng tiền của mình như thế nào, nếu cảm thấy hàng không giá rẻ thiếu chuyên nghiệp thì lựa chọn hãng bay khác với mức chi phí cao hơn”- chị Hà cho hay.

Không chỉ chị Hà mà tất cả người tiêu dùng đều cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay là không hợp lý.

Nhiều người dân, chuyên gia kinh tế và thậm chí nhiều hãng hàng không phản đối áp giá sàn vé máy bay

Nhiều người dân, chuyên gia kinh tế và thậm chí nhiều hãng hàng không phản đối áp giá sàn vé máy bay

Giá vé máy bay được các doanh nghiệp bán theo dải, có thấp có cao, phụ thuộc vào chiến lược cũng như khả năng kinh doanh của mỗi hãng, Nhà nước không nên can thiệp vào.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định giá sàn là “0”, tức là không có giá sàn. Các hãng quảng cáo giá vé 0 đồng nhưng khách hàng vẫn phải chi trả những phụ phí và chi phí khác khoảng vài trăm nghìn đồng cho mỗi vé máy bay.

Nếu áp giá sàn với vé máy bay nội địa trong bối cảnh đường bay nội địa còn có hãng bay giữ vị trí thống lĩnh thị trường là không hợp với quản lý giá theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường cũng như theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Theo ông Long, nếu quy định giá sàn sẽ tạo lợi thế cho hãng hàng không làm ăn với hiệu quả không cao, gây khó khăn cho hãng khác.

Không nước nào áp giá sàn vé máy bay

Bày tỏ quan điểm về giá sàn vé máy bay, đại diện Vietravel Airlines cho rằng, quy định trên sẽ làm giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phục hồi và phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Theo Vietravel Airlines, trên thế giới, hiện tại, không quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn. Đây được xem là kết quả của việc chứng kiến các hệ quả của việc triệt tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không.

Trong giai đoạn 2016- 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá vé tối thiểu cho vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực, bên cạnh đó, ngành du lịch quốc gia bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.

Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung và cầu vào từng thời điểm.

“Đứng trên quan điểm và góc nhìn của một hãng hàng không tư nhân, việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành chuyên nghiệp và phát triển dịch vụ của hãng hàng không, đồng thời việc áp khung giá sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh và gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng”, đại diện Vietravel Airlines cho hay.

Còn đại diện Vietjet Air cho rằng, quy định mức giá tối thiểu (giá sàn) sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực; không phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng không đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể/đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách giá.

Hàng không chi phí thấp (LCC) đang là xu thế chung của khu vực và thế giới hiện nay, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và kinh tế toàn cầu gặp khó khăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của đại bộ phận người dân.

Ở các nước trong khu vực, hàng không giá rẻ đang chiếm tỉ trọng 65-70% thị phần hàng không nội địa nhưng con số này tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mới ở mức trên 30%.

“Không quy định về giá tối thiểu (giá sàn) vé máy bay trên các tuyến bay nội địa, như thế sẽ có điều kiện cho người dân có thu nhập thấp và trung bình có cơ hội đi máy bay với nhiều mức giá được kê khai từ thấp đến cao, linh hoạt, với các khung giờ trong ngày, ngày trong tuần”- đại diện Vietjet Air nêu quan điểm.