Ánh Viên sa sút, nguy cơ 'mất cả chì lẫn chài' ở SEA Games

ANTD.VN - Đầu tư cho một VĐV giành vé Olympic, hướng tới giải đấu tầm cỡ thế giới khác rất xa với đầu tư cho một VĐV giành huy chương ở "ao làng" SEA Games. Thế nhưng Ánh Viên nhiều năm qua phải gánh cùng lúc cả hai nhiệm vụ, tưởng chừng như rất mâu thuẫn đó.

3 nội dung sở trường đều gây thất vọng

Sáng 28-7, Nguyễn Thị Ánh Viên thi nội dung cuối cùng tại giải vô địch bơi lội thế giới 2019 là 400m hỗn hợp. Dù là đường bơi sở trường, song nữ kình ngư Việt Nam chỉ xếp hạng 19, không vượt qua vòng loại và đặc biệt, thành tích 4 phút 47 giây 96 được ghi nhận là thấp nhất trong sự nghiệp.

Thất bại của Ánh Viên tại giải vô địch thế giới 2019 đặt ra nhiều dấu hỏi về cách đầu tư và sử dụng tài năng hiếm có này

Bởi cũng ở giải thế giới năm 2013, khi mới 17 tuổi, Ánh Viên đã hoàn tất nội dung này với 4 phút 47 giây 06. Tới Olympic 2016 tại Brazil, cô đạt thông số ấn tượng là 4 phút 36 giây 85 giây. Nhưng cũng kể từ giải này, Ánh Viên gần như tụt dốc không phanh ở giải vô địch thế giới 2017, ASIAD 2018 và nay là giải vô địch thế giới 2019.

Với thất bại ở đường đua 400m hỗn hợp, Ánh Viên đã kết thúc giải thế giới 2019 bằng thất vọng lớn. Bởi 2 nội dung trước đó, cô chỉ về đích vị trí thứ 26 nội dung 200m hỗn hợp với thời gian 2 phút 17 giây 79 và về thứ 19 vòng loại 400m tự do với thành tích 4 phút 13 giây 35, kém xa thành tích của bản thân lần lượt là 2 phút 13 giây 36 và 4 phút 7 giây 96 giây.

Dấu hỏi lớn ở SEA Games

Cả 3 nội dung sở trường, Ánh Viên đều không có thành tích tốt và tất nhiên, chưa hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn A dự Olympic Tokyo 2020. Dù cơ hội với Ánh Viên vẫn còn nhiều, gần nhất là chuỗi các giải đấu thuộc FINA World Cup và cả SEA Games 2019 nhưng trước đà sa sút phong độ như hiện nay, việc Ánh Viên có giành vé Olympic hay không đang là dấu hỏi lớn.

Một dấu hỏi lớn khác nằm ở trách nhiệm của giới quản lý, khi không những không thể nâng tầm Ánh Viên mà còn khiến tài năng được đánh giá "50 năm mới có một người" này nguy cơ thui chột.

Ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT cho biết với bơi lội, 23 là độ tuổi "chín" của một VĐV nữ như Ánh Viên (sinh năm 1996). Nhưng khi trẻ, VĐV phải được huấn luyện kỹ thuật cơ bản thật tốt thì tuổi này mới có thể bung sức được.

"Còn Ánh Viên, giai đoạn đầu lại dành quá nhiều thời gian để "đốt thể lực, giành thành tích" nên giờ đây việc sửa kỹ thuật rất khó khăn", ông Hổ thừa nhận.

Một tài năng lớn như Ánh Viên lẽ ra phải được đầu tư hướng tới ASIAD và giải thế giới. Nhưng bao năm qua, cô vẫn phải nai lưng gom HCV ở sân chơi Đông Nam Á để giúp thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu. Thậm chí Ánh Viên nhiều lần phải bỏ dở tập huấn Mỹ để về nước thâu tóm huy chương quốc gia cho đơn vị chủ quản.

Đầu tư cho một VĐV giành vé Olympic, hướng tới giải đấu tầm cỡ thế giới khác rất xa với đầu tư cho một VĐV giành huy chương ở "ao làng" SEA Games. Thế nhưng Ánh Viên nhiều năm qua phải gánh cùng lúc cả hai nhiệm vụ, tưởng chừng như rất mâu thuẫn đó.

Tại SEA Games tới, giữa nhiệm vụ 8 HCV và giành vé Olympic 2020, chỉ hoàn thành một đã rất khó. Với phong độ sa sút hiện tại của Ánh Viên, nguy cơ "mất cả chì lẫn chài" là không nhỏ.