An ninh - nỗi ám ảnh hàng đầu trong bầu cử ở Kenya

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi Kenya chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 8-2022, sự an toàn của các chính trị gia đang được giám sát chặt chẽ. Nhưng các nhà phân tích lạc quan rằng, sẽ không lặp lại bạo lực giống như cuộc bầu cử năm 2007.
Kenya từng trải qua nạn bạo lực bùng phát sau bầu cử

Kenya từng trải qua nạn bạo lực bùng phát sau bầu cử

Cuộc tổng tuyển cử ngày 9-8-2022 mang một ý nghĩa dự báo nhất định đối với các chính trị gia đầy tham vọng ở Kenya. Chiến thắng trong kỳ bầu cử này có thể là mục tiêu, nhưng họ cũng phải đối mặt với các mối đe dọa. Gần đây, chính trị gia Kisii Thomas Okari đã bị sát hại với nhiều vết đâm tại nhà riêng ở quận Kisii gần hồ Victoria. Tại Mombasa, thành viên đảng Liên minh Dân chủ thống nhất Ali Mwatsahu sống sót khi các tay súng vô danh rải đạn vào xe của ông.

Theo nhà khoa học chính trị Brian Wanyama Singoro của Đại học Kibabii, ngay cả các ứng cử viên tổng thống cũng không tránh khỏi cảm giác bất an, khi gần đây một số thanh niên quá khích ném đá vào trực thăng của thủ lĩnh phe đối lập Raila Odinga. “Các cơ quan an ninh và chính phủ đã vào cuộc rất mạnh mẽ. Họ đã bắt giữ thủ phạm. Ngày hôm sau, Phó Tổng thống William Ruto lên tiếng xin lỗi vì sự việc này diễn ra trong thành trì chính trị của ông. Nếu sự việc này được bỏ qua, tôi rất chắc chắn rằng những người ủng hộ ông Raila Odinga sẽ trả thù”.

Cuộc bầu cử năm 2022 ở Kenya chứng kiến 2 ứng cử viên hàng đầu tranh vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước. Phó Tổng thống William Ruto đối mặt với thủ lĩnh phe đối lập Raila Odinga. Cuộc bầu cử này sẽ đánh dấu lần thứ năm ông Raila Odinga tranh cử tổng thống và là người được Tổng thống sắp mãn nhiệm Uhuru Kenyatta ủng hộ. Các cuộc bầu cử đa đảng của Kenya trong lịch sử không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Cuộc tổng tuyển cử 2007-2008 rơi vào hỗn loạn, mở ra một trong những chương đen tối nhất của lịch sử chính trị đất nước kể từ khi độc lập năm 1963. Bạo lực sau bầu cử đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người và 600.000 người phải rời bỏ nhà cửa. 10 năm sau, cuộc bầu cử năm 2017 chứng kiến mức độ bạo lực ít hơn, nhưng các chính trị gia có xu hướng khai thác chia rẽ sắc tộc.

Tuy nhiên, Patrick Gathara - chuyên gia chính trị người Kenya lập luận rằng, vì năm nay sẽ chứng kiến một nhà lãnh đạo mới nắm quyền nên ông tin rằng sẽ có ít bạo lực hơn. “Khi không có Tổng thống đương nhiệm tái tranh cử, không chắc ai sẽ thắng cử. Có thể là ông Odinga hoặc ông Ruto. Vì thế, những cơ quan được coi là công cụ trấn áp sẽ không hành động gì trước ngã rẽ lịch sử này” - ông Gathara nói.

Trong khi đó, ông Brian Wanyama Singoro cũng chỉ ra một lý do khác để lạc quan: “Chúng tôi cũng đã thấy sự độc lập của Tòa án Tối cao, với lý do tòa phản đối Sáng kiến Cầu xây dựng của Tổng thống Uhuru Kenyatta, được coi là đòn giáng mạnh vào giới cầm quyền”. Ông lập luận rằng, không có nhóm nào làm lung lay tòa án, điều này đã nâng cao lòng tin của người dân Kenya. “Chúng tôi hy vọng rằng tòa án sẽ hoạt động tốt, không giống như năm 2007 và những năm khác mà các tòa án bị chính phủ thao túng dễ dàng”.

Tuy nhiên, Jay Maina (35 tuổi) sống trong một khu định cư không chính thức của Thủ đô Nairobi đã cảnh giác với những tháng sắp tới. Nhiều người Kenya rời khỏi các khu vực đô thị vào khoảng thời gian bầu cử. “Có một số căng thẳng, thậm chí đe dọa trước cuộc bầu cử. Vì vậy, mọi người đã hoảng sợ và cố gắng trở về quê hương của họ” - Jay Maina cho biết.