An ninh hàng không: Không cho phép sai lầm

ANTĐ - Nhiều vấn đề liên quan đến nguy cơ mất an ninh hàng không đã được các bộ, ban, ngành và địa phương bàn đến và đề xuất những giải pháp tại hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia sáng 23-12.

An ninh hàng không: Không cho phép sai lầm ảnh 1Kiểm tra, soi chiếu hành lý tại sân bay Nội Bài

Hàng trăm vụ hành khách mang vũ khí lên máy bay

Theo thống kê từ Ủy ban An ninh hàng không (ANHK) dân dụng quốc gia, giai đoạn 2011-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 920 vụ việc. Trong đó, 500 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm trái quy định; 40 vụ tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ; 69 vụ xâm nhập trái phép khu vực hạn chế tại cảng hàng không, tàu bay; 142 vụ gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không; 169 vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; thẻ, giấy phép kiểm soát ANHK.

Theo đánh giá của Ủy ban ANHK dân dụng quốc gia, giai đoạn từ 2011-2015, an ninh, an toàn hàng không cơ bản được giữ vững, những sự cố được xử lý, khắc phục kịp thời. Ngành hàng không phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, 17 năm liên tiếp không để xảy ra tai nạn hàng không dân dụng. Thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt sự tăng trưởng cao, với mức trung bình giai đoạn 2009-2014 là 13,9% về hành khách và 16,7% về hàng hóa.

Lực lượng ANHK đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng phòng ngừa và xử lý vi phạm, không để xảy ra hậu quả ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, sự phối hợp giữa một số đơn vị, địa phương và các cơ quan chức năng của ngành hàng không còn thiếu chủ động, chưa thường xuyên; phối hợp trong bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của một số địa phương về bảo đảm ANHK còn chủ quan, thiếu cảnh giác…

Nạn trộm cắp hành lý bộc lộ sự yếu kém

Về những tồn tại, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh thẳng thắn nêu ra những nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hàng không trong giai đoạn vừa qua. Đó là nguy cơ lôi kéo nhân viên hàng không tham gia hoạt động khủng bố và tâm lý bất ổn của nhân viên hàng không. “Phần lớn nhân viên làm việc tiếp cận trực tiếp với tàu bay là lao động phổ thông, hưởng mức lương thấp. Thậm chí, có trường hợp còn làm 8 năm liền trong chế độ thử việc. Trong khi đó, ngành hàng không làm chưa sâu vấn đề an ninh nội bộ, kiểm soát nhân thân”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin thêm: Qua kiểm soát, bắt giữ các vụ vi phạm buôn lậu qua đường hàng không năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số lượng tương đối lớn vũ khí dân dụng, súng hơi, súng săn tháo rời, các hàng cấm theo công ước quốc tế... Liên quan đến các giải pháp đảm bảo ANHK trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, phải chú trọng đến vấn đề gia nhập các công ước quốc tế về ANHK nhằm thực hiện trách nhiệm và cam kết của Việt Nam với cộng đồng hàng không dân dụng quốc tế và tranh thủ mọi cơ hội và nguồn lực, công nghệ của quốc tế để nâng cao năng lực đảm bảo ANHK; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, không để xảy ra sai sót dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn, an ninh trong hoạt động hàng không dân dụng…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, thực tế đòi hỏi nhận thức về các nguy cơ về ANHK phải hết sức chính xác. “Hiện tượng trộm cắp hàng hóa, hành lý của hành khách cũng có thể là dấu hiệu của mất ANHK và thể hiện sự yếu kém trong khâu kiểm tra, kiểm soát”, Phó Thủ tướng đánh giá. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không cho phép có sai lầm trong kiểm soát an ninh, an toàn hàng không. Thực tế, khách hàng vẫn xem nhẹ các quy định về ANHK dân dụng, nhận thức về ANHK còn hạn chế. Trong thời gian tới, các lực lượng liên quan phải quyết liệt hơn, phải có giải pháp sắc bén, kịp thời, hiệu quả hơn. Đặc biệt, phải xây dựng danh mục các yếu tố đe dọa ANHK để phân công và ấn định thời gian thực hiện.