Ấn Độ: Nạn thủ tiêu ngầm những phóng viên chống tiêu cực

ANTĐ - Chỉ trong vòng vài tuần, 3 nhà báo Ấn Độ được cho là bị sát hại ngay trên chính quê hương mình. 
Ấn Độ: Nạn thủ tiêu ngầm những phóng viên chống tiêu cực ảnh 1

Nguyên nhân gây ra các vụ thảm án này là do họ đã dũng cảm điều tra và đăng tải những bài viết chống lại hành vi tham nhũng của các quan chức địa phương, cụ thể là “bảo kê” cho các băng nhóm tội phạm hoành hành. Cái chết của những nhà báo chống tiêu cực chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn tham nhũng ở Ấn Độ - và đó cũng là sự trả giá cho những thất bại của Ấn Độ trong việc khắc phục nạn tham nhũng ở các cấp chính quyền.

Chết khi điều tra nhóm làm bằng giả cho quan chức

Nạn nhân là phóng viên thời sự Akshay Singh (38 tuổi) đã chết một cách bí ẩn hôm thứ bảy (4-7) khi đang tác nghiệp tại hang ổ của bọn lừa đảo việc làm bang Madhya Pradesh. Theo một số báo cáo, ước tính hơn 40 người (gồm cả người làm chứng và bị cáo) liên quan đến băng nhóm này đã chết bí ẩn kể từ khi vụ gian lận thi cử của Ủy ban khảo thí chuyên nghiệp bang Madhya Pradesh (MPPEB - theo tiếng Hindi gọi là Vyapam) tại Madhya Pradesh bị phát giác và cảnh sát tiến hành điều tra.

Theo trang Hindustantimes, khoảng 12h30 phút ngày 4-7, theo lịch đã hẹn, nhà báo Akshay Singh đã tới nhà của Om Prakash Damor ở Meghnagar (huyện Jhabua) để phỏng vấn về những bí ẩn xung quanh cái chết của Namrata - em gái của Om Prakash vào năm 2012, là một bị cáo trong vụ lừa đảo việc làm. Theo lời Prakash, cuộc phỏng vấn này diễn ra trong khoảng 1 giờ. Sau khi trò chuyện với ông Mehtab Singh - cha của Prakash và xem bản khám nghiệm tử thi của cô gái xấu số Namrata xong, nhà báo Akshay Singh nói với ông Mehtab rằng “tôi đã thu thập được một số manh mối quan trọng trong đường dây lừa đảo việc làm này và có thể những thông tin ông cung cấp ngày hôm nay sẽ giúp con gái ông sớm có được công lý”.

Nói đến đó, đột nhiên nhà báo Akshay Singh đặt bàn tay phải lên đầu, đôi môi bắt đầu run rẩy, nước bọt bắt đầu chảy ra từ miệng, rồi lăn ra bất tỉnh. Hốt hoảng, gia đình Prakash đã vội vã đưa nhà báo Akshay Singh tới bệnh viện, nhưng không qua khỏi. Nhiều nguồn tin cho rằng rất có thể nhà báo Akshay Singh đã bị đầu độc.

Thành viên Quốc hội Ấn Độ ông Jitu Patwari cho biết, những tay lừa đảo trong vụ án mà nhà báo Akshay Singh đang điều tra có mối liên hệ với những quan chức cấp cao trong Chính phủ, thậm chí có liên quan đến lãnh đạo các ban ngành ở bang Madhya Pradesh. Các quan chức này đã cấu kết với một nhóm cò để được cấp bằng đại học - cao đẳng, thi nghề, thi tuyển công chức, chủ yếu trong các lĩnh vực y tế, giáo viên, kiểm toán, an ninh... và giấy phép hành nghề giả dưới thời người đứng đầu của bang là Shivraj Singh Chouhan trong giai đoạn 2008 - 2013.

Hiện, chính quyền liên bang khẳng định đây là đợt điều tra minh bạch, song họ từ chối chuyển hồ sơ vụ án lên Cục Điều tra Trung ương. Nhiều người cho rằng, các đợt điều tra vụ giết người liên quan đến lừa đảo tuyển dụng công chức đều ở tình trạng “thả nổi” đã khiến người dân hoài nghi về những cái chết bí ẩn trên đơn thuần là sự trùng hợp hay có kịch bản dựng sẵn hòng bịt đầu mối.

Tố chuyện khai khoáng trái phép, một nhà báo bị bắt cóc, thiêu sống

Cũng tại bang Madhya Pradesh, trước đó ít ngày, cảnh sát Ấn Độ đã tìm thấy thi thể Sandeep Kothari (40 tuổi) - phóng viên làm việc cho nhật  báo Jabalpur - người được cho là đã bị 3 đối tượng thuộc một băng đảng xã hội đen bắt cóc và thiêu sống. Theo hãng tin PTI, nhà báo Sandeep Kothari đã bị bắt cóc vào đêm 19-6, khi đang cùng một bạn đi xe máy đến làng Umri để thực hiện một phóng sự điều tra về nạn khai thác khoáng sản trái phép dưới sự bảo kê của chính quyền bang Maharastra (phía Tây Ấn Độ).

 Những kẻ bắt cóc dùng một xe ô tô chặn xe máy nhà báo Kothari, sau đó đẩy ông lên xe, trước khi đánh ngất bạn ông. Cảnh sát Ấn Độ đã giữ chiếc xe dùng làm phương tiện hỗ trợ bắt cóc nhà báo Kothari. Đến ngày 21-6, thi thể cháy đen của Sandeep Kothari đã được phát hiện trong một trang trại ở khu vực Butibori (Nagpur). 

Một quan chức cảnh sát JS Markam nói với hãng tin PTI, nhà báo Sandeep Kothari đã bị bắt cóc và sát hại dã man bởi 3 đối tượng có liên hệ với xã hội đen chuyên khai thác trái phép và buôn lậu cát ở Madhya Pradesh, do ông đã điều tra về những hoạt động phi pháp của băng đảng này. Ba nghi phạm này đều đến từ Katangi và hiện đã bị bắt giữ. Cả 3 nghi phạm đều nằm trong đường dây hoạt động trái phép, và đã từng cố gây sức ép để bắt nhà báo Kothari rút đơn tố cáo về hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp của băng nhóm này mà ông đã đệ lên tòa án địa phương, nhưng bị ông nhất quyết không đồng ý.

Trên thực tế, các nhà báo ở Ấn Độ thường xuyên phải đối mặt với sự quấy rối và đe dọa từ nhiều đối tượng. Trước nhà báo Kothari, một nhà báo tự do có tên là Jagendra Singh cũng đã bị sát hại, do bài viết cáo buộc tham nhũng đối với một chính trị gia. Cái chết của những nhà báo dũng cảm trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn tham nhũng ở Ấn Độ - và đó cũng là sự trả giá cho những thất bại của Ấn Độ trong việc khắc phục nạn tham nhũng ở tất cả các cấp chính quyền.

Vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng tới mức trong một thư ngỏ gửi Chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, các thẩm phán và các nhà kinh tế học cảnh báo rằng, tăng trưởng nhanh của Ấn Độ đang bị “trật bánh” do tham nhũng và gọi đây là “vấn đề lớn nhất đang làm xói mòn cơ cấu của dân tộc”. 

Không thể làm ngơ trước hành động dã man và lộng hành của bọn tội phạm, Hiệp hội Báo chí Ấn Độ đã đề nghị cơ quan an ninh cấp liên bang khẩn trương vào cuộc làm rõ các vụ sát hại trên, đồng thời tiếp tục gửi văn bản tới Chính phủ và Quốc hội Ấn Độ, đề nghị sớm có giải pháp bảo vệ hữu hiệu nhà báo khỏi các mối đe dọa. “Không bảo vệ nhà báo chống tiêu cực, tức là bảo vệ tội phạm, bảo vệ những kẻ tham nhũng”, đại diện của Hiệp hội Báo chí Ấn Độ bức xúc.