Ấn Độ đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ấn Độ tự hào ăn mừng thành công của những nhân vật xuất chúng gốc Ấn đang ở nước ngoài, từ thể thao đến các chuyên gia công nghệ. Nhưng giới phê bình cho rằng, điều đó chỉ làm nổi bật thực trạng chảy máu chất xám ở nước này.
Chính phủ Ấn Độ đang có chương trình để “giữ chân” các sinh viên giỏi

Chính phủ Ấn Độ đang có chương trình để “giữ chân” các sinh viên giỏi

Một vài tuần trước, gã khổng lồ truyền thông xã hội Twitter đã bổ nhiệm ông Parag Agrawal (sinh ra ở Ấn Độ) làm Giám đốc điều hành mới. Sự kiện này tạo nên không khí tự hào và hân hoan rộng rãi trên khắp Ấn Độ. Chỉ 10 năm trước, ông Agrawal bắt đầu sự nghiệp của mình tại công ty với tư cách là một kỹ sư, nhưng qua từng ấy thời gian, ông đã tiến lên trên những nấc thang sự nghiệp nổi trội. Tuy nhiên, đây chỉ là tên tuổi mới nhất trong danh sách dài các CEO công nghệ sinh ra ở Ấn Độ, bao gồm Sundar Pichai của Alphabet, Arvind Krishna của IBM hay Satya Nadella của Microsoft. Bên cạnh công nghệ, những công dân gốc Ấn Độ cũng được vinh danh trong các lĩnh vực khác trong tháng 12 này, trong đó có bà Gita Gopinath được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế hay vận động viên Ajaz Patel lập chiến công cho đội tuyển cricket New Zealand.

Nhưng hàng loạt sự kiện đó đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về cái gọi là chảy máu chất xám, cả trên mạng xã hội và trong chính phủ. Một báo cáo của Global Wealth Migration Review cho thấy, gần 5.000 triệu phú Ấn Độ - chiếm 2% tổng số các cá nhân có giá trị tài sản cao - đã chuyển ra nước ngoài chỉ trong năm 2020. Theo Báo cáo Di cư thế giới năm 2020 của Liên hợp quốc, Ấn Độ cũng có số lượng người di cư ra nước ngoài cao nhất với hơn 17,5 triệu người.

Chính phủ Ấn Độ hồi đầu tháng đã trấn an quốc hội rằng, họ có “chiến lược 3 mũi nhọn” để giữ lại những nhân tài tốt nhất của Ấn Độ, sau khi thông báo rằng hơn 600.000 người đã từ bỏ quốc tịch Ấn Độ trong 5 năm qua. “Chính phủ cam kết không chỉ giữ lại những học sinh thi đỗ các cơ sở giáo dục hàng đầu trong nước mà còn thu hút những người gốc Ấn trở về đóng góp cho đất nước” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Subhas Sarkar phát biểu trước Quốc hội.

Giáo sư Sarthi Acharya tại Viện Phát triển con người có trụ sở tại New Delhi cho biết, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thâm hụt kỹ năng trong khi những bộ óc được đào tạo tốt nhất không ở trong nước mà lại đi ra nước ngoài. Ông Sanjeev Joshipura - Giám đốc điều hành của Indiaspora có trụ sở tại Hoa Kỳ, một mạng lưới các nhà lãnh đạo gốc Ấn toàn cầu cho rằng, có nhiều lý do thúc đẩy người Ấn ra nước ngoài. Ông nói: “Có thể do nền giáo dục ở nước ngoài tốt hơn hoặc khả năng kiếm tiền hấp dẫn hơn, hoặc hệ thống quản lý dễ chịu hơn”. Chuyên gia này phân tích, một khía cạnh của vấn đề này là có những người được đào tạo ở nước ngoài, khi trở lại Ấn Độ để làm việc hoặc thành lập công ty thì khá thành công. Khi đủ lớn, họ chuyển ra nước ngoài để mở rộng. “Hơn nữa, những người Ấn Độ ra nước ngoài có thể cộng tác với đất nước hiệu quả hơn so với việc vẫn ở trong nước” - ông Sanjeev Joshipura khẳng định.

Nhà kinh tế cấp cao Amee Misra tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ở New Delhi, cho biết những lợi ích của việc người Ấn Độ di chuyển ra nước ngoài làm nổi bật vai trò của kiều hối - chuyển tiền tài chính hoặc hiện vật - trong nền kinh tế Ấn Độ. Kể từ năm 2010, Ấn Độ đã đứng đầu danh sách các quốc gia nhận kiều hối, trong đó có 87 tỷ USD vào năm 2021, điển hình là từ các quốc gia có thu nhập cao. “Những dòng kiều hối này vẫn duy trì trong thời gian tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 và bổ sung mạnh mẽ cho nguồn phân phối của chính phủ trong việc hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn”.