Ám ảnh 'ao làng': Chủ nhà SEA Games 2019 muốn bỏ bóng bàn, cầu lông, quần vợt

ANTD.VN - Chủ nhà Philippines đưa ra đề xuất không tổ chức thi đấu bóng bàn, cầu lông, quần vợt tại SEA Games lần thứ 30 - năm 2019, dù đây là 3 môn phổ biến trong hệ thống thi đấu Olympic.

Đề xuất loại 3 môn Olympic là cầu lông, bóng bàn, quần vợt cùng một số môn khác được chủ nhà SEA Games 30 - Philippines, đưa ra tại Hội nghị các trưởng đoàn diễn ra hôm 16-5.

Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải sự phản ứng từ nhiều quốc gia thành viên Đông Nam Á. Riêng với Việt Nam, chúng ta đang là đương kim vô địch đồng đội nam môn bóng bàn và dự kiến đặt chỉ tiêu 1-2 HCV tại SEA Games 30. Ở môn quần vợt, Việt Nam sở hữu tay vợt hàng đầu khu vực là Lý Hoàng Nam - người từng xếp hạng hạt giống số 1 ở kỳ đại hội 2017, còn cầu lông có Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Phạm Cao Cường hay đôi nam nữ Tuấn Đức-Như Thảo...

Nếu ba môn trên bị gạt bỏ sẽ ít nhiều kéo giảm lượng huy chương của đoàn Việt Nam, cũng như các đoàn có thế mạnh như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia...

Việt Nam đang là đương kim vô địch đồng đội nam bóng bàn SEA Games

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thì đây mới chỉ dừng ở đề xuất ban đầu của nước chủ nhà. "Từ nay tới khi chốt danh sách sẽ còn thêm nhiều cuộc họp mà ở đó, Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực sẽ lên tiếng phản ứng và đề xuất bổ sung thêm các môn thi", ông Phấn cho hay.

Việc nước chủ nhà gạt bỏ các môn thể thao không sở trường để đưa các môn thế mạnh của mình vào hệ thống thi đấu đại hội nhằm thâu tóm huy chương là điều không còn xa lạ trước thềm mỗi kỳ SEA Games, khiến giải đấu này bị gắn mác "ao làng".

Tại SEA Games 2015, chủ nhà Singapore từng đề nghị loại một loạt môn vốn là thế mạnh của Việt Nam như vật, vovinam, karatedo, cờ, cử tạ, futsal (nam, nữ), xe đạp địa hình, pencak silat nữ, cầu mây nữ, bóng đá nữ... Sau khi bị các quốc gia trong khu vực phản đối và qua rất nhiều cuộc họp sau đó, Singapore mới bổ sung một số môn, tuy nhiên vẫn dùng đặc quyền của nước chủ nhà để bảo lưu quyết định loại một số môn, điển hình là bóng đá nữ.

Sang tới SEA Games 2017, chủ nhà Malaysia ban đầu chỉ muốn tổ chức 34 môn thi nhưng sau đó buộc phải bổ sung thêm 4 môn là judo, đấu kiếm, muay và ba môn phối hợp, sau khi chịu phản ứng gay gắt từ các nước thành viên Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, để có lợi trong cuộc đua vô địch bóng đá nam - môn thu hút sự quan tâm nhất SEA Games, chủ nhà Malaysia vẫn cương quyết cho áp dụng quy định giới hạn độ tuổi tham dự là từ 22 tuổi trở xuống (thay vì U23 như truyền thống), để làm giảm sức mạnh các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Việt Nam. Song như đã biết, U22 Malaysia đã thất bại trước U22 Thái Lan ở trận chung kết.