An ninh tại World Cup 2010:
Ai cũng sẵn sàng (?!)
(ANTĐ) - Trong hội thảo về an ninh cho VCK World Cup 2010, cuộc họp quy tụ 29 trong tổng số 32 nhân vật đứng đầu về an ninh đến từ các quốc gia có đội tuyển tham dự VCK World Cup 2010 cùng các quan chức FIFA tại Zurich, Thụy Sỹ vừa qua, “tướng 3 sao” Bheki Cele, Ủy viên Hội đồng An ninh quốc gia Nam Phi cho biết, người Nam Phi rất lấy làm tiếc về “biến cố Canbinda” xảy ra với đội tuyển Togo trong thời gian tham dự CAN 2010 tại Angola vào tháng 1-2010.
Chính phủ đã sẵn sàng!
Tuy nhiên, biến cố Canbinda cùng với sự kiện đội tuyển cricket Sri Lanka bị khủng bố tấn công ở Lahore, Pakistan trước đó một năm đồng thời cũng mang lại cho người Nam Phi một bài học kinh nghiệm rất quý báu cho công tác an ninh. Theo bản báo cáo của Bheki Cele, tổng số cảnh sát làm nhiệm vụ tại VCK World Cup là 44.000 người và khi cần có thể huy động quân số lên tới 188.000 người. Ngoài ra, các đội bóng tham dự còn được bảo vệ chặt chẽ bởi lực lượng Interpol.
“Tất cả những điểm nóng như sân vận động, khu tập luyện, sân bay, nhà ga, khách sạn… đều được bố trí một lực lượng an ninh bảo vệ chặt chẽ. Chúng tôi đảm bảo các đội bóng cũng như người hâm mộ đến Nam Phi sẽ được an toàn tuyệt đối.
Nam Phi đã sẵn sàng cho một VCK World Cup an toàn” - Bheki Cele kết luận. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng lên tiếng: “Tôi không hiểu sao mọi người vẫn còn những hoài nghi về Nam Phi? Đội bóng được bảo vệ, người hâm mộ được bảo vệ, truyền thông cũng được bảo vệ. Chúng ta còn cần gì nữa?”.
Tội phạm cũng sẵn sàng?
Trên bàn tròn ở Zurich, người Nam Phi tuyên bố là vậy, nhưng thực tế, tỷ lệ thất nghiệp chiếm 60% dân số Nam Phi đã vô tình đẩy quốc gia này thành đất nước có tỷ lượng tội phạm cao nhất trên thế giới. Theo thống kê, mỗi ngày ở Nam Phi xảy ra đến 50 vụ giết người và trung bình mỗi năm có tới 250.000 vụ trộm, 55.000 vụ hiếp dâm, 75.000 vụ thanh toán nhau giữa các băng đảng bằng súng...
Những con số trên cho thấy, tỷ lệ tội phạm ở Nam Phi còn cao hơn cả nước Mỹ. Đáng nói hơn, tỷ lệ tội phạm tại Nam Phi vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Bằng chứng là, ngày 5-1-2008, một thành viên trong Ban tổ chức World Cup 2010, ông Jimmy Mohlala đã bị bắn chết tại nhà riêng sau khi ông này lớn tiếng cáo buộc hàng loạt hành động tham nhũng trong xây dựng các công trình phục vụ World Cup.
Thế nên, các quan chức FA (Liên đoàn Bóng đá Anh) đã thông cáo, họ chỉ đảm bảo an toàn cho các thành viên của đội tuyển Anh, còn người thân của giới cầu thủ hay người hâm mộ đến Nam Phi thì phải… thân ai người nấy lo.
Sau sự kiện đội tuyển Togo bị phiến quân FLEC-PM (Mặt trận giải phóng vùng Cabinda) tấn công tại tỉnh Cabinda khi đang trên đường đến dự CAN 2010 ở Angola, nhà báo Martin Samuel của tờ Daily Mail từng thốt lên: “An toàn có nghĩa là gì ở châu Phi? Chúng tôi chỉ thấy hiếp dâm, cướp của, trộm cắp và giết người”. Hy vọng ngài Sepp Blatter đúng, còn Martin Samuel đã sai!
Khai Nguyên