18 lính Armenia thiệt mạng trong cuộc xung đột dữ dội với quân đội Azerbaijan

ANTĐ - Ngày 2-4, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cho biết, tổng cộng có 18 binh lính nước này thiệt mạng, 35 người bị thương trong cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột Karabakh trên biên giới hai nước.

Trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Sargsyan gọi đây là một trong những cuộc xung đột quy mô lớn kể từ khi lệnh ngừng bắn được ký vào năm 1994. "Để phòng thủ, quân đội Armenia đã nỗ lực kiểm soát tình hình", ông nói.

Tổng thống Armenia cũng kêu gọi cần phải ký một thỏa thuận với Karabakh về viện hỗ trợ quân sự và đã ra một số mệnh lệnh để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng hơn nữa giữa quân đội Armenia và Azerbaijan.

Binh lính Nagorno-Karabakh tham gia một cuộc diễn tập quân sự

Trước đó, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo rằng, Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực Nagorno-Karabakh dọc biên giới của họ vào tối 1-4, trong đó có sử dụng vũ khí hạng nặng, xe tăng và pháo binh.

Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, quân đội Azerbaijan đã bị đẩy lùi và phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng trong các cuộc phản công của quân đội Armenia.

Theo thông tin từ nước Cộng hòa Nagorno Karabakh, 2 máy bay trực thăng, 3 xe tăng và 2 máy bay không người lái đã bị phá hủy, và con số thương vong lên tới 200 người, trong đó có 3 trẻ em.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã bác bỏ thông tin về việc một máy bay trực thăng của họ bị bắn hạ bởi các lực lượng vũ trang Armenia, khi mà cả 2 nước đều đổ lỗi cho nhau gây nên cuộc leo ​​thang căng thẳng này.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các bên xung đột "tôn trọng lệnh ngừng bắn ngay lập tức và kiềm chế để ngăn chặn thương vong hơn nữa cho cả binh lính và dân thường", theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu từ năm 1988 khi vùng tự trị Nagorno-Karabakh chủ yếu là người Armenia sinh sống, đòi li khai khỏi Azerbaijan. Nagorno-Karabakh đã tuyên bố độc lập vào năm 1991 nhưng vẫn nằm dưới sự bảo trợ của quân đội Armenia, và từ đó gây ra một cuộc chiến tranh kéo dài đến khi Nga làm trung gian hoà giải vào năm 1994.