17.000 taxi do Hà Nội quản lý sẽ được dán phù hiệu Khuê Văn Các
Dán phù hiệu nhận diện để quản lý
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội, toàn TP hiện có khoảng 17.000 xe taxi của hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ. Ngoài ra còn có khoảng 2.000 taxi đăng ký ngoại tỉnh nhưng hoạt động trên địa bàn TP. Điển hình như hãng Sông Hồng có 400 xe, thì đến 1/2 được đăng ký phù hiệu tại Bắc Ninh.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết, từ năm 2012, Hà Nội đã tạm dừng cấp phù hiệu mới với xe taxi. Tuy vậy, sau một thời gian đã xuất hiện tình trạng taxi ngoại tỉnh về hoạt động, làm tăng mật độ lưu thông trên đường. Đặc biệt, từ đây đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây tâm lý không tốt cho những doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn TP. Không những vậy, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra liên quan đến taxi ngoại tỉnh như đánh, cướp tài sản của khách nước ngoài, hành hung hành khách, điều chỉnh chip để thu quá giá cước… đã làm xấu hình ảnh taxi Thủ đô.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Mạnh, về góc độ quản lý Nhà nước, taxi ngoại tỉnh không thuộc đối tượng quản lý của ngành giao thông Hà Nội. Khi phát hiện vụ việc vi phạm, muốn xử lý doanh nghiệp thì phải gửi về Sở GTVT địa phương mà doanh nghiệp đăng ký. Song, kết quả xử lý như thế nào, ra sao thì ngành giao thông Hà Nội không được thông báo, nên khó tránh khỏi tình trạng quản lý lỏng lẻo đối với loại taxi này. Ngoài 2.000 xe taxi ngoại tỉnh còn một lượng không nhỏ taxi “dù” nhái thương hiệu của các hãng khác. Đó còn chưa kể, một số hãng taxi trên địa bàn TP đã lách luật “không tăng mới số lượng taxi” bằng cách, mở văn phòng đại diện tại các tỉnh lân cận, đăng ký xe tại đây rồi đưa về Hà Nội hoạt động, hoặc đăng ký xe tại Hà Nội rồi đưa ra tỉnh ngoài cấp phù hiệu rồi đưa trở về địa bàn TP.
Dự kiến trong tháng 8 này, hơn 17.000 xe taxi của Hà Nội sẽ được dán phù hiệu riêng để nhận diện. Theo ông Hoàng Văn Mạnh, giá cho phù hiệu taxi mới là 2.800 đồng/xe. Phù hiệu taxi có nền màu xanh, phía trên có hình ảnh Khuê Văn Các và tem chống làm giả, ở phía dưới có dòng chữ “Taxi Hà Nội”. “Với nhận diện này, hành khách sẽ phân biệt được đâu là taxi do Hà Nội quản lý và đâu là taxi ngoại tỉnh về hoạt động”, ông Hoàng Văn Mạnh cho hay.
Khả thi đến đâu?
Tuy vậy, tính khả thi của quyết định trên đến đâu thì chưa ai dám chắc, nhưng đã có luồng dư luận cho rằng, chẳng khác nào thêm một giấy phép con, làm khó doanh nghiệp. Đơn cử như việc, các doanh nghiệp taxi dù đăng ký ở ngoại tỉnh nhưng đưa xe về Thủ đô hoạt động đều cho rằng mình hoạt động không sai Luật. Vậy nên, việc có dán phù hiệu taxi Hà Nội hay không, dường như không mấy ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Theo tìm hiểu, hiện có 25 hãng taxi đăng ký ở các tỉnh lân cận rồi đưa xe về Hà Nội hoạt động, điều này khiến tình trạng taxi ở Hà Nội thêm phần bát nháo. Đó còn chưa kể, phù hiệu taxi Hà Nội cũng khó tránh khỏi bị làm giả. Ông Hoàng Văn Mạnh nhìn nhận: “Bằng giả có, bằng lái xe giả cũng có nên không tránh khỏi có phù hiệu giả. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT đã giữ 15 trường hợp mang phù hiệu giả. Vì phù hiệu giả rất khó để xác định, nếu không am hiểu về nghiệp vụ, không thông hiểu hoạt động của taxi thì sẽ khó phát hiện”.
Mặc dù Sở GTVT Hà Nội cũng như Thanh tra GTVT đều kỳ vọng vào việc dán phù hiệu riêng sẽ quản lý được tình trạng bát nháo, giả mạo taxi như hiện nay. Song, nếu chỉ dựa vào phù hiệu này để quản lý thì khó mang lại hiệu quả. Cần phải có giải pháp đồng bộ, xử lý mạnh tay đối với taxi dù. Và, cũng cần tránh tình trạng, kiểm tra phát hiện nhưng xử lý rồi lại cho tồn tại, tiếp tục cho hoạt động, chưa kể việc kiểm tra chưa thực sự chặt chẽ, còn lỏng lẻo, dung túng vi phạm.