Trung Quốc:

Sự thật trần trụi về “quan chức trần trụi”

ANTĐ - Nếu nhìn vào các báo cáo kê khai tài sản, người ta chỉ thấy ở Trung Quốc những quan chức thanh liêm, trong sạch mà không biết được rằng, phần lớn tài sản của số quan chức này -  tài sản có được một cách phi pháp - đã được tuồn ra khỏi Trung Quốc bằng cách chuyển vợ, con ra nước ngoài sinh sống. 

Một cách thức tẩu tán tài sản tinh vi của quan tham Trung Quốc

Để vợ con đi trước

Tại Trung Quốc, “quan chức trần trụi” là cụm từ dùng để chỉ những cán bộ lãnh đạo có vợ, con di cư sang nước ngoài sinh sống. 2 tháng qua, Trung Quốc đã điều tra hơn 1.000 quan chức bị nghi ngờ “trần trụi” ở tỉnh Quảng Đông. Trong khi khoảng 200 quan chức trong số đó đã đưa vợ con về nước thì 866 người vẫn không để vợ con về và chấp nhận kỷ luật hoặc bị thuyên chuyển, trong đó có 9 lãnh đạo cấp thành phố. Một quan chức họ Lưu đã xin từ chức thay vì buộc vợ rời Hồng Kông về đại lục, với lý do: “Tôi nói cho gia đình biết quy định mới của chính phủ nhưng vợ tôi vẫn muốn sống ở Hồng Kông. Do cuộc sống gia đình là quan trọng nên tôi quyết định ủng hộ vợ và nghỉ việc”.

Cụm từ “quan chức trần trụi”  xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2008. Tháng 2-2010, Văn phòng giám sát cán bộ thuộc Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã công bố báo cáo về công tác trọng điểm của Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia, trong đó lần đầu tiên các “quan chức trần trụi” được đưa vào diện “đặc biệt quan tâm”. Đến tháng 4 năm đó, Bộ Chính trị Trung Quốc bàn thảo về các quy định tạm thời đối với cán bộ lãnh đạo có người thân di cư và tăng cường quy định quản lý đối với những người này. Đầu tháng 3-2011, Mã Văn, người đứng đầu Văn phòng giám sát cho biết, nước này bắt đầu lên danh sách các “quan chức trần trụi”. Cho đến hồi đầu tháng 1-2014, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quy định nêu rõ các “quan chức trần trụi” sẽ không được đề bạt thăng chức. Thực tế, trước đó tại một số địa phương, đây cũng là một trong những điều kiện xem xét khi lựa chọn đội ngũ cán bộ.

Những quy định này nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng mà chính quyền Trung Quốc đang thực hiện. Bởi đối với các quan tham, việc đưa người thân ra nước ngoài định cư là một “thủ thuật” để tẩu tán tài sản. Giáo sư Lâm Tằng, chuyên gia về phòng chống tham nhũng, thuộc trường Đảng trung ương Trung Quốc, đã thẳng thắn chỉ ra: “Sự xuất hiện của “quan chức trần trụi” liên quan đến vấn đề tham nhũng. Những cán bộ như vậy phải được giám sát đặc biệt, trong thời gian họ tại nhiệm cần đặc biệt lưu ý và tăng cường kiểm tra”. 

Quan chức đầu tiên bị xử phạt vì “trần trụi” là Phó Bí thư Thành ủy Quảng Châu - Ký Phương Toàn. Ông này đã bị cho về hưu non vì vi phạm quy định thân nhân không được định cư tại nước ngoài của chính phủ Trung Quốc.

Tẩu tán tài sản và thoát thân

Theo thống kê do một đại biểu Quốc hội Trung Quốc đưa ra vào năm 2012, từ năm 1995-2005, Trung Quốc có 1,18 triệu quan chức có vợ, con định cư ở nước ngoài. Tại các thành phố lớn như Los Angeles, New York, Hawaii, Houston (Mỹ), Vancouver, Toronto (Canada), không khó để bắt gặp những công dân Trung Quốc lái ô tô xịn trên đường phố. Một phần trong số họ gần như không tham gia vào các hoạt động tại địa phương, có hành tung bí ẩn, nhưng trong các nhà hàng cao cấp, mọi người có thể bắt gặp họ tụ tập ăn uống.

Theo thống kê, lượng lớn tài sản quốc nội Trung Quốc cũng “bay” ra nước ngoài theo chân vợ con các “quan chức trần trụi”. Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc đã thực hiện một cuộc điều tra đối với thực trạng này, ước tính từ năm 1997-1999, số tiền “chảy” ra nước ngoài là khoảng 10 tỷ USD, nhưng theo một số liệu khác, con số này lên tới 53 tỷ USD, tức là mỗi năm khoảng 17,7 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn là quá ít so với một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh. Theo đó, tổng số tiền chuyển ra nước ngoài phi pháp vào năm 1997 là 36,4 tỷ USD, năm 1998 là 38,6 tỷ USD, năm 1999 là 28,3 tỷ USD. Chuyên gia kinh tế Phàn Cương nhận định số tiền bị tuồn ra nước ngoài của Trung Quốc vào năm 2000 là 48 tỷ USD.

Cách thức phổ biến được các quan chức tham nhũng tại Trung Quốc áp dụng khi đã “ăn” hối lộ đủ hoặc nghe phong thanh về việc bản thân bị liệt vào “danh sách đen” cán bộ biến chất, nguy cơ “ngã ngựa”, là tìm cách tẩu thoát sau khi vợ con đã di cư và yên ổn ở nước ngoài với khối tài sản kếch xù. 

Một số quan tham Trung Quốc chạy trốn ra nước ngoài có thể kể đến như Bàng Gia Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp tỉnh Thiểm Tây; Châu Kim Hỏa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phúc Kiến, Trương Thự Quang, phó Kiến trúc sư trưởng Bộ Đường sắt (cũ), nguyên Phó Chủ tịch thành phố Hạ Môn  Lam Phủ, tham ô hơn 5 triệu NDT, đem vợ trốn sang Australia; Hứa Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc chi nhánh Quảng Đông của Ngân hàng Trung Quốc đã ôm 483 triệu NDT trốn ra nước ngoài; nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang  Dương Tú Châu trốn sang Mỹ cùng người thân vào năm 2003; Lư Vạn Lý, nguyên Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Quý Châu… Trước khi hành vi tham nhũng bị bại lộ, La Âm Quốc, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Mậu Danh đã đưa con cái sang Ma Cao và Australia. Bản thân La Âm Quốc cũng dùng chứng minh nhân dân giả để trốn ra nước ngoài. 

Theo Nhân dân Nhật báo, có đến hàng chục nghìn cán bộ phạm tội bỏ trốn đã bị bắt giữ đưa về nước. Năm 2000-2003 có 5.115 người bị bắt giữ với số tiền tham ô là 22 tỷ NDT, năm 2003-2008 là 4.547 người với số tiền tham ô 24,5 tỷ NDT, năm 2008-2012 là 6.220 người và 55,3 tỷ NDT còn năm 2013 là 762 người - 10,1 tỷ NDT. Trước những hành động mạnh tay của chính quyền Trung Quốc thời gian qua, chắc chắn con số này của năm 2014 sẽ còn cao hơn…