Đài Loan ráo riết chuẩn bị đối phó với “kịch bản Crimea”

ANTĐ - Sau cuộc khủng hoảng chính trị tại Kiev, Đài Loan đã theo dõi rất chặt chẽ việc Nga triển khai quân đội và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng Trung Quốc sẽ có hành động tương tự như của Nga.

Phát biểu tại cuộc hội thảo ở Trung tâm an ninh của Mỹ ở Washington hôm 2-4, "Thứ trưởng quốc phòng" Đài Loan Andrew Hsia cho rằng: "Đài Loan đã học được một bài học rất quan trọng là phải tăng cường chi tiêu để tự phát triển vũ khí, trang bị và hợp tác chặt chẽ với Mỹ để hiện đại hóa quân đội."

Quân đội Nga không gặp bất kỳ sự kháng cự nào từ các lực lượng vũ trang Ukraine, khi họ tiến vào bán đảo Crimea và cuối cùng là chiếm đóng các căn cứ quân sự của Ukraine.

Nhiều máy bay chiến đấu của không quân Ukraine không thể cất cánh được, và những chiếc máy bay chiến đấu có thể cất cánh thì lại được trang bị vũ khí rất kém. Các loại vũ khí còn lại của quân đội Ukraine cũng đã lỗi thời và có khả năng hạn chế.

Ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, từ ngày 18-3-2014, tại Đài Loan, phong trào chống đối chính phủ do giới sinh viên khởi xướng với sự tham gia của hàng chục nghìn người đã bùng phát tại Đài Bắc, để phản đối Dự luật về hiệp định tự do mậu dịch giữa Đài Loan với Trung Quốc, được hai bên ký kết hồi tháng 7-2013 và đang chờ quốc hội thông qua.

Người biểu tình dùng hoa hướng dương để thể hiện tính ôn hòa nhưng vẫn bị trấn áp, trước khi Tổng thống Mã Anh Cửu chấp thuận đối thoại với lãnh đạo của phong trào biểu tình. Đến ngày 30-3, tổng số người biểu tình đã lên đến 120.000 người.

Tại các cuộc biểu tình trên đường phố Đài Bắc, đặc biệt là gần trụ sở Quốc hội và chính phủ, người ta trông thấy những bông hướng dương tràn ngập đường phố và những bức chân dung "Tổng thống" Đài Loan, trên đầu mọc hai cái sừng sơn dương. Phải chăng Đài Loan chuẩn bị đối mặt với phong trào “Mùa xuân Đài Bắc"?

Theo các nhà quan sát, đây không phải là một phong trào tự phát. Nhiều guơng mặt nổi bật trong số các nhà hoạt động chính trị Đài Loan hưởng ứng kêu gọi xuống đường của giới sinh viên.

Trước đó, vùng lãnh thổ Đài Loan đã gửi yêu cầu mua các máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 mới từ Mỹ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận này, thay vào đó họ lại đề xuất cấp nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu F-16 hiện có của Đài Loan.

Năm 2001, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã đề xuất bán cho hòn đảo này một số tàu ngầm, nhưng thỏa thuận vẫn giậm chân tại chỗ.

13 năm sau đó, vẫn không có dấu hiệu rõ ràng nào về việc những thỏa thuận này sẽ diễn ra như thế nào. Ông Andrew Hsia nói: "Tại thời điểm này, mọi người có thể có những suy nghĩ khác nhau về tàu ngầm, nhưng tôi cho rằng Đài Loan sẽ phát triển, hoặc cố gắng phát triển, tàu ngầm nội địa của mình."

Ông Hsia cho rằng, Đài Loan nên duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội. Theo ông, trong những năm gần đây, ngân sách đã giảm xuống dưới mục tiêu đó, đặc biệt là kể từ khi cơ quan quốc phòng hòn đảo này dành ngân sách cho việc mua vũ khí mà chưa được chính phủ Mỹ phê chuẩn. Số tiền chưa được sử dụng mua số vũ khí này được hoàn lại cho kho bạc.

Tuy nhiên, "Thứ trưởng Quốc phòng" Andrew Hsia nhấn mạnh rằng, Đài Loan cần phải nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn ngồi lại với Mỹ để thảo luận về những sự hỗ trợ nào là phù hợp nhất đối với tình hình eo biển Đài Loan".