Kiềm chế bằng... rau răm!

(ANTĐ) - Ăn quả trứng vịt lộn, không thể thiếu mấy nhánh rau răm, mấy lát gừng mỏng. Chẳng mấy ai nghĩ rằng, không phải vô cớ mà trứng, rau răm, gừng lại “hợp” nhau đến vậy!

Kiềm chế bằng... rau răm!

(ANTĐ) - Ăn quả trứng vịt lộn, không thể thiếu mấy nhánh rau răm, mấy lát gừng mỏng. Chẳng mấy ai nghĩ rằng, không phải vô cớ mà trứng, rau răm, gừng lại “hợp” nhau đến vậy!

TS Nguyễn Viết Tiến – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận không hiếm trường hợp các sản phụ sau khi sinh gặp biến chứng viêm nhiễm vết khâu, bục chỉ khâu, và các biểu hiện hậu sản bởi sớm trở lại “sinh hoạt vợ chồng”.

Điều đó âu cũng là dễ hiểu, bởi sau một thời gian dài bị cấm vận chờ vợ mang bầu và hoàn thành việc sinh nở, các đức ông chồng có vẻ sốt sắng hơn, và cũng không thể kiềm chế dài thêm được nữa!

Với những người chồng “đức độ”, suốt thời gian dài như vậy, họ không “giải quyết” vấn đề của mình bằng cách “tòm tem” ở ngoài, mà “nhịn”. Quyết tâm “nhịn” như thế có nghĩa là họ đang phải đối mặt với các cơn bốc hoả cực kỳ khó chịu.

Gần đây, các đấng mày râu cùng chung nỗi khổ ấy đã truyền tụng về một loại rau có tác dụng kiềm chế những ham muốn tức thời: rau răm.

DS Đỗ Huy Bích (Viện Dược liệu VN) cho biết, đúng là rau răm có tác dụng kiềm chế những cơn bốc dục. Điều đó lý giải vì sao các nhà sư luôn phải dùng rau răm, đậu xanh, đậu phụ... trong khẩu phần ăn chay của mình. GS Đỗ Tất Lợi, trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đã từng viết: “Có người cho rằng, rau răm có tác dụng dịu tình dục, nên những người đi tu thường dùng để giảm những cơn bốc dục”.

Tìm hỏi các bác sĩ Đông y, ai cũng biết rau răm đã từng được người đời xưa thừa nhận công dụng “kỳ diệu” này, nhưng vì sao và nhờ có chất nào trong đó thì không ai rõ vì xưa nay chưa từng có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này.

Trong một lần trò chuyện, bác sĩ Nguyễn Thùy Hương (Khoa Đông y, Bệnh viện Bạch Mai) đã phỏng đoán rằng, có thể vì tác dụng đó của rau răm, nên người Việt Nam chúng ta mới có thói quen ăn trứng vịt lộn cùng loại rau này.

Bởi theo một số nghiên cứu thì trứng vịt lộn có thể khiến đàn ông trở nên cường tráng hơn, vì thế để cân bằng, chẳng gì tốt hơn là ăn kèm vài nhánh rau răm xanh mướt! Có thể “vịt lộn – rau răm” là câu chuyện vượt ra ngoài vấn đề khẩu vị của người xưa chăng?

Rau răm vốn là một loại gia vị, thường được dùng tươi không cần chế biến, không độc, được sử dụng rất phổ biến tại các gia đình. Theo GS Đỗ Tất Lợi, rau răm cũng là một cây thuốc quý, dùng để kích thích tiêu hóa, thông tiểu, chữa sốt, chống nôn. Ngoài ra một số địa phương còn dùng rau răm để chữa rắn cắn, chữa hắc lào, chốc lở...

Tuy nhiên, DS Đỗ Huy Bích (Viện Dược liệu) vẫn cảnh báo không nên quá lạm dụng rau răm (ăn nhiều tháng nọ qua tháng kia, năm nọ qua năm kia) bởi nếu không “bài thuốc làm dịu tình dục” sẽ trở thành “bài thuốc diệt dục” rất nguy hiểm!

Bởi theo một nghiên cứu trên chuột của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên HN thì thấy rau răm làm giảm chất lượng tinh trùng. Còn nếu chỉ nhằm để hạn chế những cơn bốc dục tức thì khi “khó khăn” thì các ông chồng vẫn có thể trông cậy vào rau răm được.

Rau răm không độc, và là loại gia vị vẫn ăn thường này, nên để vượt qua “cái đận gian nan vì cấm vận”, tại sao các đức ông chồng không thử chế biến cho mình một cốc sinh tố rau răm uống thử? Biết đâu những bứt rứt khó chịu do nhu cầu hằng ngày bị kiềm chế lại được giải tỏa phần nào?

Phương Dung