Ukraine cắt đứt quan hệ với Nga nhưng… vẫn đòi hoãn nợ và khí đốt giá rẻ

ANTĐ - Ukraine vừa đưa ra hàng loạt đạo luật nhằm cắt đứt quan hệ với Nga nhưng trong lĩnh vực kinh tế, Kiev vẫn đòi Moscow giành cho mình những “biệt đãi”.

Kiev đoạn tuyệt quan hệ với Nga trên tất cả các lĩnh vực

Các nghị sĩ Ukraine hôm 21-5 đã quyết định hủy bỏ 5 thỏa thuận an ninh then chốt với Moscow. Đây là một bước đi thêm nữa của chính quyền Kiev nhằm cắt đứt hẳn quan hệ với nước láng giềng sát nách cũng từng là một người “bạn lớn” thân thiết của Ukraine.

5 thỏa thuận vừa bị Kiev hủy bỏ bao gồm: Cho phép Nga đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đi qua lãnh thổ Ukraine để đến khu vực nói tiếng Nga Transdniester của Moldova; hủy bỏ cam kết bảo vệ các bí mật nhà nước của nhau; bãi bỏ thỏa thuận cho phép Nga vận chuyển quân sự trên khắp lãnh thổ Ukraine; ngừng toàn bộ việc mua bán vũ khí giữa Nga và Ukraine và chấm dứt việc việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Moscow và Kiev.

Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) cho rằng, việc hủy bỏ các thỏa thuận với Nga là “vì lợi ích an ninh quốc gia, sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Đây được coi là một hành động quyết liệt hơn nữa nhằm tiến tới cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ thân thiết hơn 20 năm qua giữa hai nước.

Mới đây nhất, Ukraine cũng đã hủy bỏ hợp tác kỹ thuật-quân sự với Nga. Quyết định này do Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk thông báo tại cuộc họp chính phủ vào ngày 20-5, cùng với tuyên bố Nga là hiện thân “mối hiểm họa đối với nhà nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

"Nội các chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận ký kết năm 1993 về hợp tác kỹ thuật-quân sự với Nga. Liên bang Nga là quốc gia xâm lược hiếu chiến, mang hiểm họa cho nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" - Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk lý giải.

Lá cờ Nga-Ukraine trong các cuộc tập trận chung trước đây giờ đã được thay bằng Mỹ-Ukraine

Trước khi những thỏa thuận này bị hủy bỏ, chính quyền Kiev cũng liên tiếp có những động thái nhằm cắt đứt quan hệ với Nga. Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Poroshenko đã chính thức ban hành đạo luật cấm mọi biểu tượng thời Xô viết cũng như các hoạt động tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản.

Ngoài ra, Ukraine còn sửa sách giáo khoa, xóa bỏ thuật ngữ “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại” mà các nước thuộc Liên Xô cũ thường dùng và thay nó bằng cụm từ “Chiến tranh thế giới thứ 2”; đưa phần “Nga và các thế lực thân Nga xâm lược Ukraine” vào trong sách.

Đồng thời, nước này còn xóa bỏ “Ngày chiến thắng phát xít” 9-5, thay bằng ngày 8-5 (theo kiểu châu Âu), hủy bỏ lễ diễu binh trong ngày này, đồng thời xóa bỏ, thay tên những tên đường phố, địa danh, đài tưởng niệm mang tên những anh hùng, danh nhân thời Liên Xô.

Ukraine vẫn muốn hoãn nợ và mua khí đốt giá rẻ

Một vấn đề được các chuyên gia Nga chỉ trích là mặc dù đã đưa ra các quyết định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga và bày tỏ thái độ công khai thù địch nhưng nước này vẫn đòi Nga phải có những “biệt đãi” với họ về vấn đề trả nợ và mua khí đốt giá rẻ.

Hôm 21-5, Quốc hội Ukraine đã thông qua đạo luật chính phủ cho phép tạm ngừng thanh toán cơ cấu nợ nước ngoài.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã trình bày trước Quốc hội dự luật kêu gọi chủ nợ tư nhân đáp ứng nguyện vọng của Kiev, đồng ý thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ theo điều kiện do Chính phủ Ukraine đề xuất. Lọt vào danh mục các khoản hoãn trả có thể có 3 tỷ USD trái phiếu Ukraine được Nga mua cuối năm 2013.

Mặc dù cắt đứt quan hệ nhưng Ukraine vẫn muốn Nga hoãn nợ và cho mua khí đốt giá rẻ

Nội các Ukraine giải thích việc đưa ra sắc luật này là do gánh nặng nợ quá cao mà nền kinh tế đang sụp đổ của nước này không thể gánh vác. Chính phủ Ukraine nói họ đang cố gắng kích thích các chủ nợ tư nhân nước ngoài chia sẻ gánh nặng và tham gia ủng hộ Ukraine.

Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng, việc Kiev quyết định hoãn trả nợ, trên thực tế là tuyên bố vỡ nợ và không thanh toán do bất khả kháng. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận xét, việc từ chối trả nợ sẽ làm mất hoàn toàn uy tín của chế độ Kiev.

Các chuyên gia được RIA Novosti phỏng vấn cho biết, giới phân tích nhận định là Chính phủ Ukraine muốn dùng nước cờ vỡ nợ để dọa các chủ nợ nước ngoài ngoan cố và “chây ì” thỏa thuận thanh toán nợ vào mùa thu, khi chương trình hỗ trợ từ IMF có thể bị đình chỉ trong giai đoạn này.

Bên cạnh việc đòi Nga hoãn nợ, Ukraine vẫn muốn được Nga ưu đãi cho phép mua khí đốt giá rẻ hơn so với những nước khác. “Họ (chỉ Ukraine) đã đề nghị việc này từ lâu rồi và hiện đang tiếp tục đề nghị gia hạn điều khoản ưu đãi này cho đến cuối năm nay” - Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói.

Hãng thông tấn Anh Reuters đưa tin, ông Novak đã tiết lộ thông tin trên vào ngày 23-5 và cho biết thêm, Kiev đã đề nghị Moscow gia hạn thỏa thuận ưu đãi bán khí đốt với mức giá rẻ như cho là 248 USD/1.000 m3, thấp hơn gần 150 USD so với mức giá Nga đang bán cho châu Âu.

Phát biểu trong bài phỏng vấn của Hãng thông tấn Nga RIA Nosvosti, ông Novak nêu rõ: Hồi tháng 3-2015, Nga đã gia hạn biện pháp chiết khấu ở mức 100 USD/1000 m3 khí cho đến cuối quý II năm 2015, theo đó Kiev sẽ tiếp tục được mua khí đốt với mức giá ưu đãi chỉ 248 USD/1.000 m3.