Tăng tốc “đả hổ, diệt ruồi”

ANTĐ - Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc - Chu Vĩnh Khang, người từng được coi là nhân vật quyền lực thứ ba ở Trung Quốc, đã bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” nhằm vào các quan chức tham nhũng của Trung Quốc vẫn trên đà tăng tốc.

Tăng tốc “đả hổ, diệt ruồi” ảnh 1

Quyết định bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang được đưa ra tại cuộc họp ngày 5-12 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi toàn bộ các thành viên Bộ Chính trị được nghe báo cáo điều tra đầy đủ về những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của ông Chu Vĩnh Khang. Ông Chu cũng đồng thời “bị điều tra pháp lý”, động thái mở đường cho việc khởi tố quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ sau vụ “bè lũ bốn tên” bị xét xử năm 1980. 

Từng được coi là “ngôi sao” trong ngành an ninh nội địa nhờ các biện pháp cải thiện quan hệ giữa cảnh sát và công chúng, giúp tháo ngòi căng thẳng xã hội, ông Chu đã “ngã ngựa” đầy đau đớn. Tuyên bố của Bộ Chính trị CPC nêu rõ: “Ông Chu Vĩnh Khang lợi dụng quyền lực để giúp họ hàng, các nhân tình và bạn bè kiếm được những khoản lợi nhuận bất chính khổng lồ”. Ông Chu cũng bị cáo buộc “ngoại tình với nhiều phụ nữ và sử dụng quyền lực để đổi chác tình dục và tiền bạc”. 

Việc bắt giữ Chu Vĩnh Khang và hàng loạt quan chức có liên quan đến tham nhũng cho thấy, Trung Quốc đang quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng nhằm làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo các cấp ở nước này. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, quốc nạn mà ông Tập Cận Bình cho rằng có thể đe dọa tới sự tồn vong của CPC. 

Người ta tính rằng, trong 20 tháng đầu cầm quyền của ông Tập, đã có ít nhất 36 “hổ” - các quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên bị bắt giữ. Trong “bộ sưu tập” những con hổ bị hạ, ngoài Chu Vĩnh Khang còn có cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai; Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương…

Còn số “ruồi” - những quan chức cấp nhỏ hơn bị điều tra thì lên đến hàng vạn. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, năm ngoái, nước này đã diệt được tới 182.000 “ruồi”. Riêng tại Quảng Đông, nơi được cho là tâm bão của chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, đã có tới 2.190 quan chức bị nêu tên và 866 người trong số đó bị cách chức. Vì nạn tham nhũng đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc nên có thể nói bất kỳ quan chức nào cũng có thể là “đối tượng” của chiến dịch này. 

Với việc ông Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ, xem ra chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình không hề giảm tốc như lời đồn đại. Đây là một minh chứng cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường đẩy mạnh sự thống nhất trong đảng, đồng thời trừng trị thẳng tay đối với những trường hợp tham nhũng nhằm lấy lại uy tín với người dân.

Bản án nào chờ đợi Chu Vĩnh Khang? 

Giới chuyên gia cho rằng, sự kiện Chu Vĩnh Khang bị bắt là một bước ngoặt lớn trên chính trường Trung Quốc. “Quan trọng là ông Tập Cận Bình đã chứng minh đủ sức mạnh để phá vỡ điều kiêng kỵ bấy lâu nay là không bao giờ buộc tội đối với cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc”, Willy Lam, nhà phân tích chính trị kỳ cựu thuộc Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định. 

Hiện chưa rõ phiên tòa xét xử ông Chu Vĩnh Khang sẽ diễn ra như thế nào, nhưng các nhà phân tích cho rằng, với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia, nhiều khả năng đây có thể là lý do để nhà chức trách Trung Quốc tiến hành xét xử kín đối với ông Chu Vĩnh Khang, trái ngược với trường hợp của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã bị kết án tù chung thân hồi năm ngoái vì tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. 

Cũng theo các nhà phân tích, bản án sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của ông Chu Vĩnh Khang với cơ quan điều tra. Nhiều khả năng, ông Chu có thể phải nhận mức án tử hình treo hoặc tù chung thân. Như vậy, khi sắp bước vào tuổi 72 và trong tay không còn chút quyền lực nào, ông Chu Vĩnh Khang đang phải chờ đợi kết cục tồi tệ nhất trong cuộc đời mình.