Mối lo IS bành trướng ở Trung Đông

ANTĐ - Các quốc gia Hồi giáo đã phải lên tiếng lo ngại sự bành trướng của tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) tại khu vực Trung Đông giữa lúc cuộc chiến chống IS của Mỹ và các đồng minh chưa cho thấy hiệu quả.

Mối lo IS bành trướng ở Trung Đông ảnh 1Lực lượng IS vẫn đang chiếm giữ những khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq

Trong cuộc họp lần thứ 30 của Ủy ban Thường trực về Hợp tác Kinh tế và Thương mại của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (COMCEC) khai mạc ngày 25-11 ở Thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Hồi giáo đã lên tiếng cảnh báo về sự bành trướng của IS ở khu vực Trung Đông nóng bỏng. Các nhà lãnh đạo đến từ hơn 50 quốc gia Hồi giáo tham dự hội nghị cùng cho rằng, an ninh khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của lực lượng IS ở Trung Đông.

Cảnh báo và lo ngại của các quốc gia Hồi giáo dấy lên trong bối cảnh IS, trước đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông (ISIL), từ “căn cứ địa” Syria đã lớn mạnh thành một lực lượng đáng sợ tại Trung Đông. Chỉ trong thời gian vài tháng đầu năm nay, IS đã đánh chiếm tới 1/3 lãnh thổ Iraq, trong đó có những khu vực chiến lược trọng yếu như thành phố dầu mỏ Mosul lớn thứ hai của Iraq.

Với việc kiểm soát vùng rộng lớn giữa Iraq và Syria, IS có thể tự do di chuyển lực lượng, vũ khí, tiền bạc… để biến cả hai nước thành một chiến trường chung, tạo bàn đạp tấn công sang các quốc gia Hồi giáo khác trong khu vực này. Chiến dịch tấn công ác liệt của các tay súng IS tại thị trấn biên giới giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ hay việc giành quyền kiểm soát một cửa khẩu lớn giữa Iraq và Jordan… cho thấy tham vọng của tổ chức Hồi giáo cực đoan khét tiếng tàn bạo này trong việc thành lập một Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Trung Cận Đông như tên gọi ban đầu.

Chính vì lo ngại về sự bành trướng ra toàn bộ khu vực Trung Đông của IS mà Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ và các đồng minh ở phương Tây cũng như tại khu vực Trung Đông đều xếp tổ chức này vào danh sách khủng bố. Hội đồng Bảo an LHQ hồi cuối tháng 9 vừa qua đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tổ chức IS.

Để đối phó với IS, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an yêu cầu các quốc gia ngăn chặn người đã tham gia hoặc có kế hoạch sang nước khác gia nhập IS, đồng thời hối thúc các nước này thông qua luật xác định tội hình sự nghiêm trọng cho hành động ra nước ngoài “đầu quân” cho IS hoặc chiêu mộ, tài trợ cho người khác làm việc này… Trong khi đó, Mỹ cầm đầu một lực lượng đa quốc gia tiến hành không kích nhằm chặn bước tiến, tiêu diệt các tay súng IS trên chiến trường, chủ yếu ở Iraq.

Song các biện pháp của LHQ hay Mỹ và đồng minh đều tỏ ra chưa hiệu quả với lực lượng IS. Theo ước tính của các cơ quan tình báo Mỹ, hiện có khoảng 15.000 chiến binh từ hơn 80 nước đã đến Syria và Iraq để tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của IS, trong khi lực lượng này vẫn chiếm giữ những khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq.

Trong khi các quốc gia Hồi giáo Trung Đông lo ngại về bước tiến bành trướng của IS vẫn chưa bị chặn lại thì Mỹ vẫn đang tỏ ra lúng túng trong chiến lược ứng phó với tổ chức cực đoan tới mức tàn bạo này, mà sự từ chức bất ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel là một minh chứng. Song sự  ra đi của ông Hagel có thể dẫn tới một sự thay đổi chiến lược, giúp cuộc chiến chống IS hữu hiệu hơn.