Hiểm họa Hồi giáo cực đoan

ANTĐ - Sau mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda với vụ khủng bố chấn động 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, nay lại tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khét tiếng tàn bạo… các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã trở thành một hiểm họa khôn lường đe dọa cuộc sống bình yên trên thế giới.

Hiểm họa Hồi giáo cực đoan ảnh 1Cảnh thảm sát tập thể của các tay súng Hồi giáo cực đoan IS
tại Syria khiến cả thế giới phẫn nộ lên án

Hội nghị quốc tế Cairo về chống khủng bố và cực đoan đã bắt đầu ngày 3-12 tại Ai Cập với sự tham dự của khoảng 600 giáo sĩ Hồi giáo và người đứng đầu nhà thờ Thiên chúa giáo tại 120 quốc gia trên thế giới, trong đó có Saudi Arabia, Iran, Morocco… Hội nghị này nằm trong các nỗ lực của chính quyền Ai Cập nhằm chống lại IS giữa lúc nhóm Hồi giáo cực đoan này đang thiết lập các liên minh xuyên biên giới, trực tiếp đe dọa đến an ninh và sự ổn định của hàng loạt quốc gia trong khu vực.

Tại hội nghị, Đại Giáo chủ Ahmed el-Tayeb của nhà thờ Al-Azhar - cơ quan có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni tại Ai Cập và là một trong những cơ sở tôn giáo uy tín nhất trên thế giới - đã lên án những tội ác man rợ của IS. Đại Giáo chủ này cáo buộc các chiến binh thánh chiến lợi dụng chiêu bài tôn giáo và tự gọi mình là “Nhà nước Hồi giáo” nhằm “xuất khẩu tư tưởng Hồi giáo dối trá”. 

Hội nghị hiếm hoi có sự hiện diện của các lãnh đạo Hồi giáo và Thiên chúa giáo trên diễn ra trong bối cảnh các tổ chức Hồi giáo cực đoan mà tiêu biểu là IS khét tiếng tàn bạo đang trỗi dậy, đe dọa không chỉ các quốc gia cùng cuộc sống bình yên của người dân mà còn cả với thế giới Hồi giáo. Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng Hồi giáo cực đoan trên thế giới.

Mối đe dọa từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan bắt đầu khiến thế giới lo ngại kể từ khi mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda của “trùm khủng bố” Osama Bin Laden tổ chức vụ tấn công khủng bố chấn động cả thế giới vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 làm khoảng 3.000 người chết. Al Qaeda cùng các chi nhánh và “đồng minh” Hồi giáo cực đoan tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng khủng bố cho nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Á.

Khi mà mối đe dọa của Al Qaeda tạm dịu đi nhờ nỗ lực hợp tác không mệt mỏi của cả cộng đồng quốc tế thì các nhóm Hồi giáo cực đoan mới, tiêu biểu là tổ chức IS tự xưng, lại trỗi dậy với sự tàn bạo cùng hiểm họa còn ghê gớm hơn gấp bội. Sự cai trị hà khắc trong các vùng đất chiếm được cùng các vụ hành hình man rợ của IS và một số ít nhóm cực đoan tương tự đã khiến ngay cả các nhóm Hồi giáo cực đoan khác cũng phải kinh sợ.

Trong khi đó, theo thống kê của nhóm nghiên cứu Rand có trụ sở tại Mỹ, thế giới hiện nay có 49 nhóm Hồi giáo cực đoan lớn trong khi con số này vào năm 2001 chỉ là 20. Trong năm 2007, xảy ra khoảng 100 vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới do Al Qaeda và các nhóm có liên quan gây ra thì năm 2013 đã tăng vọt lên 900 vụ.

Các hành vi bạo lực, quá khích của các tín đồ Hồi giáo cực đoan khiến dư luận tại nhiều nước có đa số dân theo đạo Hồi cũng phải lo ngại sâu sắc. Cuộc thăm dò với 14.000 người dân tại 14 nước Hồi giáo do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ cho thấy đa số người được hỏi ý kiến đều phản đối cả tư tưởng và các hành động của các tín đồ Hồi giáo cực đoan.