Còi xe gây chết người, vẫn lúng túng trong xử lý

ANTĐ - “Mỗi khi đến Việt Nam, việc tôi sợ nhất là phải sang đường và âm thanh ám ảnh nhất là tiếng còi xe chói tai từ các phương tiện giao thông. Tình trạng bấm còi xe bừa bãi trên các tuyến đường không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn”.

Còi xe gây chết người, vẫn lúng túng trong xử lý ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn tại Đồng Nai cuối tháng 11 vừa qua

Nỗi sợ của người đi đường

Trên đây là chia sẻ của anh Ryan – quốc tịch Anh, người đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 1 năm nay. Cũng theo anh Ryan, không ít lần khi anh đang tham gia giao thông, nhất là ở khu vực ngoại thành, tiếng còi hơi phát ra từ những chiếc xe có tải trọng lớn đã khiến anh giật mình, loạng choạng suýt ngã. Bấy lâu nay, tiếng còi xe đã trở thành  nỗi ám ảnh đối với mỗi người dân khi ra đường, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn chết người.

Vào tháng 3-2013, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại đường Lê Hồng Phong, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) làm một học sinh 10 tuổi đi xe đạp bị thương nặng. Một số người có mặt tại hiện trường cho biết, nạn nhân bị giật mình vì tiếng còi xe tải nên ngã ra đường, đúng thời điểm một chiếc xe đầu kéo từ phía sau lao đến.  Đầu tháng 8-2014, trên đường đưa con đi học mầm non, chị B.T.T (ở Cao Bằng) khi đang đi song song với một chiếc xe tải, ngang qua ngã tư thì chiếc xe tải bỗng nhiên bấm còi hơi. Tiếng còi khá to khiến chị giật mình, tay lái loạng choạng, ngã xuống đường. Cô con gái 2 tuổi của chị ngồi phía sau bị bánh sau của xe tải cán qua nửa người đã bị đa chấn thương: gãy xương đùi, gãy xương chậu, dập nát tầng sinh môn…

Tháng 11 vừa qua, tại quốc lộ 51, đoạn ngay ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), chị P.T. T. (44 tuổi ở TP. Biên Hòa) điều khiển xe máy từ quốc lộ 51 rẽ sang quốc lộ 1A bỗng nghe thấy tiếng còi to của xe ben phía sau. Do bị bất ngờ nên chị T đã ngã xuống đường. Cùng lúc đó có chiếc xe ben lao tới, cán qua người chị T. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng, chị T đã tử vong.

Chế tài xử lý còn nhẹ

Dù đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến tiếng còi xe, song đáng buồn là lái xe tải vẫn còn hết sức coi nhẹ việc này. Trong khi đó, việc xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm là điều không đơn giản do các lực lượng chức năng hầu như chưa được trang bị máy đo tiếng ồn nên rất khó đưa ra bằng chứng vi phạm.

 Phân tích về tác hại của tiếng còi xe đối với sức khỏe con người, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E cho rằng, cường độ âm thanh an toàn là ở mức 30-70 dB (chỉ số tiếng ồn). Song ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM tiếng ồn đường phố luôn vượt mức cho phép (80 dB), trong đó có sự “đóng góp” chủ yếu của tiếng còi xe, đặc biệt là những loại còi hơi tự chế không đúng quy định. 

Còn theo Luật sư Nguyễn Thành Chung – Đoàn Luật sư Hà Nội, pháp luật đã có quy định trong việc lắp đặt và sử dụng còi xe. Cụ thể là còi xe phải được nhà sản xuất xe đăng ký tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện giao thông. Người điều khiển phương tiện chỉ được sử dụng còi xe tại những khu vực không bị cấm bấm còi và trong khoảng thời gian nhất định. Còn đối với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do tiếng còi xe thì cần phải tìm hiểu loại còi  này có được thiết kế, lắp đặt theo đúng quy định không, có vi phạm về thời gian và địa điểm sử dụng còi không. Nếu vi phạm một trong các điểm trên, lái xe phải hoàn toàn chịu trách nhiệm: Bồi thường đối với thiệt hại về tài sản và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Cũng theo luật sư Thành Chung, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, hành vi bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước – 5h hôm sau bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng,trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Mức xử phạt này hiện còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, không chỉ những xe ô tô có tải trọng lớn sử dụng còi hơi mà còn nhiều xe mô tô cũng được gắn những chiếc còi tự chế với âm thanh chói tai, tra tấn người đi đường. “Nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do tiếng còi xe, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương đồng thời nhanh chóng đưa ra mức xử phạt nghiêm khắc hơn” – Luật sư Thành Chung đề xuất.