Độc quyền vàng, tiền vào túi ai?

ANTĐ - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trực tiếp điều hành việc sản xuất vàng miếng cho thị trường nhằm  2 mục tiêu là bảo đảm nguồn cung cho thị trường và kéo giá vàng trong nước về gần với thế giới, nhưng thực tế cho thấy, giá vàng trong nước vẫn cứ đi lên không theo một quy luật nào. Giá bán vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi lượng, và có lúc hơn thế. 

Bỗng dưng được tiền tỷ

Kể từ sau Nghị định 24 thực thi ngày 25/5, NHNN kiểm soát toàn bộ việc sản xuất, dập đúc vàng miếng SJC - thương hiệu vàng miếng quốc gia. Các loại vàng miếng phi SJC khác sẽ không được tiếp tục sản xuất và sẽ được chuyển đổi dần thành vàng miếng SJC. Mới đây, ngày 19-9 NHNN đã cấp phép dập đúc 350.000 lượng vàng SJC (tương đương hơn 13 tấn) cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Trong số đó, phần lớn là vàng phi SJC do các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang cất giữ, chỉ có một phần nhỏ là vàng móp méo. Theo quy định của NHNN, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn sẽ được trả phí 50.000 đồng cho mỗi lượng dập đúc ra. Với hợp đồng mới này, công ty sẽ thu được khoảng 17,5 tỷ đồng. 

Trước khi có sự việc này, các thương hiệu vàng miếng khác thường xuyên có mức giá bán thấp hơn vàng miếng SJC từ vài trăm tới vài triệu đồng mỗi lượng. Các loại thương hiệu vàng miếng khác thường bán giá thấp hơn vàng SJC, thấp nhất là Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, thấp hơn SJC 3 triệu đồng mỗi lượng. Hiện tại, so với các thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của Bảo tín Minh Châu, giá vàng SJC cao hơn gần 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng AAA của Tổng công ty kinh doanh vàng Agribank thấp hơn SJC 2 triệu đồng/lượng. Một số thương hiệu vàng như ACB (của Ngân hàng ACB), Thần Tài (của Sacombank)... thì mức chênh thấp cũng vài trăm ngàn đồng mỗi lượng.

Tuy nhiên, khi được NHNH cho dập lại vàng sang thương hiệu vàng quốc gia SJC, nhiều doanh nghiệp với thương hiệu vàng phi SJC lập tức có lời bạc tỷ nhờ tính chất độc quyền của vàng SJC. Cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng đang khiến cho những “người trong cuộc” hưởng siêu lợi nhuận lớn, nhất là trong bối cảnh vàng trong nước đang chênh với giá vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng mỗi lượng. Một doanh nghiệp vàng tại Hà Nội xin cho dập lại 5.000 lượng, nhưng mới được NHNN cho phép dập 1.000 lượng. Nhưng theo tính toán của doanh nghiệp này, sau khi công việc gia công hoàn tất, chỉ bán sang tay, doanh nghiệp của ông cũng lãi 3 triệu đồng/lượng. Với 1000 lượng vàng,  trừ đi phí gia công gần 100 nghìn đồng/lượng, doanh nghiệp này đã nhập két gần 3 tỷ đồng. 

Đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc chuyển đổi thương hiệu vàng kể cả khi thương hiệu riêng mà họ đã tốn công tốn của quảng bá lâu nay bị mất đi. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ chế độc quyền đã giúp các doanh nghiệp kiếm được lãi "khủng" khi chuyển đổi từ phi SJC sang SJC.

Khoản chênh lệnh trong kinh doanh vàng sẽ vào túi ai?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, SJC có thể độc quyền sản xuất vàng miếng nhưng phải đảm bảo chất lượng và trách nhiệm. Nhà nước phải trả lời tại sao lại có sự chênh lệch giá giữa vàng SJC và các thương hiệu khác, hay việc chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới. "Nhiều người đang đặt câu hỏi với sự chênh lệch trên, khoản lợi nhuận đó sẽ đi vào đâu. Nó vào túi người độc quyền hay ngân sách Nhà nước?"

Cũng có chuyên gia cho rằng, gần đây, người dân chủ yếu đổ xô đi mua vàng thương hiệu SJC. Chính vì cầu lớn nên người ta chuyển đổi thương hiệu vàng miếng là điều dễ hiểu. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Cực chẳng đã người dân mới phải chạy theo việc chuyển đổi trên. 

Được biết, từ 11-10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bắt đầu đổi vàng SJC móp méo cho dân. Tổng số vàng cong vênh được phép thu vào và gia công lại là 4.000 lượng, theo sự cho phép của NHNN. Trong ngày đầu tiên, đã có khoảng 1.800 lượng được tiêu thụ. Với mỗi lượng SJC méo đến đổi lấy vàng đúng tiêu chuẩn, khách hàng sẽ mất phí 50.000 đồng. SJC cũng đổi vỏ bao bì cho khách, với phí 5.000 đồng cho mỗi miếng vàng một lượng! Không thể hiểu nổi. Vàng móp thì vẫn là vàng, nó có mất đi số lượng vàng và chất lượng vàng không? Của dân nghèo ki cóp để dành nhưng khi cần bán ra thì lại bị chặt đầu trên, xẻo đầu dưới...

Điều gì sẽ xảy ra khi ngừng huy động vàng?

Nhu cầu của người dân không quá lớn đến mức trở thành nguyên nhân chủ chốt khiến giá vàng trong nước tăng cao bất thường như hiện nay. Sự bất thường đến phi lý là ở chỗ, giá vàng trong nước ngày càng đắt hơn giá vàng thế giới một cách khó hiểu và đến nay khoảng cách dãn rộng lên mức trên 3 triệu đồng mỗi lượng.

Cũng từ ngày 25-11 tới, các ngân hàng thương mại phải tất toán dư nợ huy động vàng để bắt đầu ngừng hẳn hoạt động huy động vàng…  Sau thời điểm này, thị trường vàng có thể sẽ chứng kiến nhiều xáo trộn mạnh nếu việc cân bằng lại trạng thái thanh khoản vàng của các ngân hàng chưa được hoàn tất. 

Từ 1 năm trước đây, trên thị trường vàng có 5 ngân hàng được phép huy động và bán vàng bình ổn thị trường, với tỷ lệ 40%/tổng lượng vàng huy động được. Nay đến lúc phải hút vàng về để bù thanh khoản vàng với khối lượng lớn, thì lại gặp phải cảnh trớ trêu là chỉ còn  thương hiệu SJC, nên đã đẩy giá vàng SJC lên rất cao. Số còn lại 60% vàng dưới dạng chứng chỉ gửi vàng huy động cách đây 1 năm, thì cũng đã được cho vay trực tiếp, nay giá vàng tăng quá nhanh, người vay vàng cũng không thể mua để trả đúng hạn. Nợ xấu vàng do đó cũng gia tăng, càng tạo thêm áp lực tăng giá vàng.

Cho đến nay NHNN chưa đưa ra phương án làm gì với số tài sản khổng lồ mà người dân đang nắm giữ. Theo số liệu điều tra còn 400 tấn vàng đang nằm trong dân. Nếu lấy giá vàng bình quân của thế giới là 1.700 USD/ounce (gần 0,82 lượng) thì số vàng trong dân tương đương 22 tỷ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cũng khẳng định ủng hộ việc thu hẹp thị trường vàng, đưa vàng về đúng vị trí nhưng phải tôn trọng tập quán giữ vàng của người dân. “Tuy nhiên, khi nền kinh tế khó khăn thì chúng ta không thể để vàng trong dân thành tài sản chết mà phải cho nó lưu thông vào nền kinh tế” - Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.

Thực tế, lẽ ra phải tạo những tiền đề thật thông thoáng để khai thác được nhiều vàng trong dân, ngăn chặn lạm phát, giữ giá đồng tiền để người dân gửi tiền vào quỹ tiết kiệm, cũng từ đó thay đổi dần thói quen giao dịch bằng vàng thì NHNN lại ban hành một quy định hành chính rất không đúng thời điểm. Quyết định này không cấm được các giao dịch về vàng mà chỉ có thể biến thị trường này từ công khai sang ngấm ngầm, vàng vẫn từ trong nước tuồn ra nước ngoài và NHNN thì cứ xuất vàng trong kho ra để kìm giá. Còn nếu huy động chỉ được một nửa số vàng trong dân thì ít nhất chúng ta cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong điều kiện hiện nay, NHNN nên phát hành chứng chỉ huy động vốn vàng của người dân, đồng thời ủy quyền cho các ngân hàng thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ. Số vàng huy động này sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.