“Thông điệp” gửi Trung Quốc, Mỹ tái can dự vào Thái Bình Dương

ANTĐ - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuần này sẽ có chuyến thăm hiếm hoi tới Nam Thái Bình Dương, trong một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm làm kiềm chế sức ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc đối với các quốc đảo trong khu vực này. 

Trong khi các chuyến thăm trước đó tới khu vực này của bà Hillary tập trung vào Canberra (Australia) và Wellington (New Zealand), thì lần này, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến tới thăm quốc đảo Cook, một quốc gia với dân số chỉ 11.000 người với diện tích chỉ lớn hơn Thủ đô Washington chút ít. Chuyến đi của bà Hillary là để tham dự một Hội nghị thượng đỉnh khu vực do Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF) cùng với Papua New Guinea và các cường quốc trong khu vực Australia và   New Zealand tổ chức. 

Theo ông Michael Powles, nhà cựu ngoại giao New Zealand, những quốc đảo nghèo, không có tầm quan trọng chiến lược vốn nằm ngoài kế hoạch của Mỹ nhiều năm qua, trong khi Trung Quốc lại tăng cường các mối quan hệ ngoại giao thông qua các khoản viện trợ và các thỏa thuận song phương. Vì vậy, sự hiện hiện của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tại hội nghị PIF sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng, Mỹ có ý định tái can dự vào khu vực này. Ông Powles cũng cho rằng, trong khi Trung Quốc có thể còn ít nghi ngờ về những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao ở Nam Thái Bình Dương, thì mối quan ngại hàng đầu của Bắc Kinh là liệu     Washington có hối thúc các quốc đảo này đồng ý hợp tác quân sự hay không.

Trong khi đó, ông Annmaree O’Keeffe, chuyên gia về Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Australia cho rằng, việc Washington quan tâm trở lại đối với các quốc đảo này là một phần trong bước đi lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai cho rằng, Trung Quốc cần phải tránh xung đột với ASEAN vì điều này có thể khiến ASEAN mất lòng tin với Bắc Kinh, gây trở ngại cho các mối quan hệ kinh tế, an ninh giữa hai bên. 

Phát biểu tại Hội thảo về quan hệ chiến lược ASEAN - Trung Quốc do Hội đồng nghiên cứu quốc gia Thái Lan phối hợp với Hiệp hội kinh tế và văn hóa Thái Lan - Trung Quốc tổ chức ngày 25-8, ông Sathirathai cho rằng, Trung Quốc cần xây dựng lòng tin với các quốc gia ASEAN trong hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, và an ninh. Nếu không, các nước thành viên ASEAN có thể sẽ tìm kiếm mối quan hệ với các nước khác. “Lòng tin sẽ đảm bảo cho 10 nước thành viên ASEAN không phải lo ngại về Trung Quốc. Việc ASEAN tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nước khác sẽ chỉ bất lợi đối với Trung Quốc” - ông Surakiart Sathirathai nhấn mạnh.

Trung Quốc xây dựng cơ sở trái phép trên Biển Đông

Trung Quốc lại có hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngày 25-8, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các cơ sở xử lý rác thải và nhà máy xử lý nước thải cho cái gọi là thành phố Tam Sa, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam mới được thành lập trái phép trên Biển Đông. Dự án trên dự kiến hoàn thành sau 1 năm. Đây được coi là dự án xây dựng hạ tầng đầu tiên kể từ khi thành phố Tam Sa được thành lập hồi tháng 7 vừa qua, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Động thái này được giới quan sát cho là nhằm tăng cường chi phối hiệu quả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và Bãi Macclesfield, cũng như giành ưu thế trong tranh chấp chủ quyền với các nước liên quan như Việt Nam và Philippines.

(Theo Vietnamplus)